Điều gì đang cản trở dạy học tích hợp?

TPO - Nhiều giáo viên cho rằng, với dạy học tích hợp, năng lực của đội ngũ giáo viên yếu, chương trình dạy là rào cản dẫn đến việc dạy tích hợp không hiệu quả. Ngành giáo dục phải bắt đầu gỡ rối từ đâu?

Dạy tích hợp: Tích cực hay tiêu cực?

Cô Đ.T. D một giáo viên dạy tổ hợp khoa học tự nhiên chia sẻ, giáo viên dạy tích hợp phải dạy cả quyển sách. Chẳng hạn ở khối 8, trường cô, ba giáo viên dạy lý, hóa, sinh luôn phải họp nhóm để cùng trao đổi nội dung dạy.

“Mỗi tuần giáo viên dạy 18,19 tiết nếu không kiêm nhiệm. Với chương trình mới, giáo viên nào cũng phải dạy nhiều tiết”- giáo viên này cho biết.

Mặc dù mới đây Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn gỡ rối dạy tích hợp nhưng cô D. vẫn tỏ ra băn khoăn. Thực tế, các môn tích hợp ở bậc THCS hiện còn nhiều bất cập khi sách giáo khoa tích hợp nhưng các phân môn vẫn do các chuyên gia viết tách rời ghép lại một cách cơ học. Rồi lên cấp học THPT lại tách ra.

Thầy giáo Vũ Khắc Ngọc, giáo viên dạy Hóa (Hà Nội) cho biết, công văn gỡ rối của Bộ GD&ĐT đã hợp thức hóa việc dạy và học hiện nay. Trước đây, dạy học có vướng mắc ở việc triển khai kiểm tra đánh giá nhưng nay Bộ cho phép kiểm tra, đánh giá được linh hoạt. Như trước đây là kiểm tra cả 3 môn khi kết thúc thì nay Bộ cho phép học đến đâu kiểm tra đến đấy. Đây là một điểm thuận lợi.

Tuy nhiên, thầy Ngọc cho rằng hướng dẫn vẫn gây ra lo lắng. Đó là khi hợp thức hóa mọi điều như trong công văn, tự dưng tạo sức ì vốn đã có, sức ì ngại đổi mới, ngại dạy học tích hợp. “Vừa rồi đổi đổi mới có nhiều rào cản, lực cản trong xã hội. Một trong những rào cản xã hội mà mọi người cùng thấy, đó là môn Sử là môn tự chọn bắt buộc đến phút chót bị đảo ngược. Tôi lo các môn tích hợp quay trở lại và tách các môn đó ra riêng lẻ như trước”- thầy Ngọc nêu quan điểm.

Phải bắt đầu từ đâu?

Theo thầy Ngọc, có nhiều lực cản trong việc dạy tích hợp. Muốn dạy hiệu quả, ngoài việc Bộ GD&ĐT kiên định chủ trương thì cần tăng cường việc cải thiện dạy học bao gồm cơ sở vật chất và trình độ giáo viên.

Tôi cho rằng, chính giáo viên hiểu được giá trị của đổi mới nhưng không chấp nhận đổi mới vì họ không có động lực. Giáo viên chịu khổ được nhưng tăng lương họ sẽ dạy tích hợp được. Sinh viên còn gia sư được mấy môn, đâu có quá khó. Cứ trả giáo viên lương tương ứng thì giáo viên sẽ có động lực”- thầy giáo Vũ Khắc Ngọc

Giáo viên được bồi dưỡng nghiệp vụ dạy tích hợp trong ngắn hạn thì không đạt yêu cầu. Vì vậy, trong thời gian tới cần tăng cường đào tạo giáo viên lên, thay vì thời gian đào tạo là 3 tháng thì thành 1 năm hay 2 năm cũng được.

Thầy Ngọc cho rằng, hiện nay, năng lực của nhiều giáo viên yếu bởi đãi ngộ của họ kém nên họ không có động lực cho đổi mới.

“Họ nghĩ bao nhiêu năm tôi vẫn dạy thế thì giờ ông thay đổi làm cái gì mà tôi phải thay đổi bao giáo án, công việc trong khi thù lao vẫn thế. Các môn học trong tổ khoa học tự nhiên vẫn đang là môn phụ. Điều đó là không ổn”- ông Ngọc nêu quan điểm

Cũng theo thầy Ngọc, thời gian tới cần có cơ chế khuyến khích các giáo viên chuyển đổi sang dạy học tích hợp. Cần có lộ trình 3 đến 5 năm tới chuyển đổi tất cả sang dạy học tích hợp và những giáo viên nào không dạy học được tích hợp thì phải nghỉ hưu sớm.

Tại sao giáo viên trẻ có năng lực hơn, đào tạo dạy tích hợp bài bản hơn lại không tìm được việc làm còn các giáo viên không dạy được tích hợp lại bám trụ ở trường lâu vậy. Chúng ta cần đưa ra một điều kiện là 5 năm tới phải dạy tích hợp, nếu ai không đáp ứng được thì đứng sang một bên để người khác thực hiện.

Song song sẽ có cơ chế khuyến khích, những người tiên phong sẽ khuyến khích họ, họ có phần thưởng để có động lực dạy học.

“Tôi cho rằng, chính giáo viên hiểu được giá trị của đổi mới nhưng không chấp nhận đổi mới vì họ không có động lực. Giáo viên chịu khổ được nhưng tăng lương họ sẽ dạy tích hợp được. Sinh viên đang đi học còn gia sư được mấy môn, đâu có quá khó. Cứ trả giáo viên đồng lương tương ứng thì giáo viên sẽ động lực”- thầy Ngọc nói.

Mới đây, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn kế hoạch dạy học các môn tích hợp, hoạt động trải nghiệm nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà trường. Cụ thể, đối với môn Khoa học tự nhiên, Bộ GD&ĐT yêu cầu, các trường phân công giáo viên bảo đảm sự phù hợp về chuyên môn được đào tạo với nội dung dạy học được phân công theo các mạch nội dung. Khi bố trí giáo viên dạy học từ 2 mạch nội dung hoặc toàn bộ chương trình môn học, phải thực hiện từng bước, bảo đảm yêu cầu về chuyên môn của giáo viên để bảo đảm chất lượng dạy học.