Stalingrad (sau năm 1961 đổi thành Volgograd) đã luôn luôn là một trung tâm phát triển công nghệ quốc phòng hàng đầu của Liên Xô hay Nga. Đây cũng là cái nôi sinh ra dòng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa “bất bại” RT-2PM Topol hay RS-24 Yars.
Khởi đầu từ nhà máy chế tạo tàu hỏa
Ngay khi Chiến tranh Thế giới thứ I đang cận kề, quân đội của Sa Hoàng Nikolai II lại lâm vào tình trạng thiếu vũ khí trầm trọng bất chấp ngành công nghiệp quốc phòng của Nga lúc đó cũng khá phát triển, nhưng không đủ mạnh để có thể vũ trang cho hàng triệu binh sĩ và có thể tăng lên hàng chục lần nếu như chiến tranh nổ ra.
Do đó trước khi chiến tranh nổ ra vào năm 1914, chính quyền Nga đã quyết định xây dựng một nhà máy sản xuất vũ khí chủ yếu là các loại pháo kéo ở thị trấn Tsaritsyn nằm cuối hạ lưu sông Volga. Đây cũng là nơi khai sinh ra các đoàn tàu bọc thép của Quân đội Sa Hoàng lúc đó.
Những đoàn tàu bọc thép của Quân đội Sa Hoàng đã thể hiện được sức mạnh của mình ngay trong Chiến tranh Thế giới thứ I và sau này là Nội chiến Nga khi chiến trường nổ ra từ phía Đông nước Nga cho đến tận vùng Viễn Đông xa xôi.
Cách mạng tháng 10 Nga vĩ đại thành công, chính quyền non trẻ của Liên Xô ra đời đã bắt tay ngay vào việc xây dựng lại các nhà máy vũ khí tại Tsaritsyn nay đã là một thành phố. Sau khi được đổi tên thành Stalingrad các nhà máy vũ khí cũng được đổi thành Barricade và nhanh chóng trở thành trung tâm của ngành công nghiệp quốc phòng Liên Xô - nơi chuyên sản xuất các loại pháo kéo cỡ lớn nhằm hiện đại hóa lực lượng pháo binh lỗi thời của Quân đội Liên Xô lúc đó.
Một xưởng sản xuất pháo 76mm thuộc Barricade được sử dụng cho những chiếc xe tăng hạng trung T-34 của Quân đội Liên Xô.
Chiến tranh Thế giới II
Trước khi Liên Xô chính thức tham chiến Chiến tranh Thế giới II, một văn phòng thiết kế vũ khí đã được Quân đội Liên Xô thành lập tại nhà máy Barricade với một nhiệm vụ quan trọng là phát triển các dòng pháo kéo hạng nặng mới có cỡ nòng từ 200mm đến 300mm với mục tiêu đánh bại các sư đoàn thiết giáp chủ lực của Phát xít Đức lúc đó.
Tuy nhiên, ngay sau khi phòng thiết kế này được thành lập Đức đã tiến hành xâm lược Liên Xô va dự án này bị hoãn lại vô thời hạn và sản phẩm chính của nhà máy Barricade lúc đó là các loại pháo 76mm và các loại cối hạng nhẹ. Khi Quân Đức gần áp sát Stalingrad, nhà máy vũ khí này được sơ tán, nhưng chỉ có một nửa số công nhân vượt qua được làn đạn của quân phát xít.
Từ đóng đổ nát, những công nhân còn lại của Barricade tiếp tục xây dựng lại một nhà máy và bắt đầu hoạt động trở lại vào năm 1943. Với chủ nghĩa anh hùng tuyệt vời, chưa đầy một năm nhà máy mới của Barricade đã nhanh chóng bắt kịp sản lượng trước chiến tranh. Và thậm chí còn sản xuất ra các dòng pháo 122mm vốn được trang bị cho xe tăng hạng nặng của Quân đội Liên Xô lúc đó.
Xe tăng hạng nặng IS-2 với pháo D25-T122mm do Barricade sản xuất.
Từ pháo kéo cho đến tên lửa liên lục địa
Sau CTTG 2, nhà máy Barricade ở Stalingrad vẫn tiếp tục sản xuất các loại pháo kéo hạng nặng cho Quân đội Liên Xô bao gồm cả các hệ thống pháo dành cho phòng thủ bờ biển. Tuy nhiên Barricade cũng rất nổi tiếng với dòng sản phẩm dành cho mục đích dân sự như các giàn khoan dành cho hoạt động khai thác dầu khí trên biển.
Đến cuối những năm 1950, nhà máy Barricade nhận được một nhiệm vụ mới từ lãnh đạo Liên Xô là phát triển các dòng tên lửa tấn công thế hệ mới nhằm tạo thế cân bằng trong cuộc đua vũ trang với Mỹ. Các tên lửa do Barricade phát triển lúc đó có tầm bắn xa hơn bay nhanh hơn và có sức mạnh hủy diệt vượt xa các tên lửa của Mỹ, thậm chí chúng còn có khả năng được trang bị đầu đạn hạt nhân.
Vào năm 1961, Barricade được giao nhiệm vụ sản xuất mẫu tên lửa đạn đạo tầm ngắn 2K6 Luna, sau đó được Liên Xô gửi đến Cuba năm 1962. Tiếp theo, nhà máy Barricade cũng đưa vào sản xuất các dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật có dẫn đường như OTR-21 Tochka hay OTR-23 Oka.
Đến những năm 1980, Barricade bắt đầu đưa vào sản xuất hàng loạt dòng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) huyền thoại của Liên Xô RT-2PM Topol.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa RT-2PM Topol làm nên tên tuổi của Barricade trong Chiến tranh Lạnh.
Dù khá thành công với việc sản xuất các dòng tên lửa đạn đạo nhưng văn phòng thiết kế vũ khí của Barricade vẫn tiếp tục phát triển các dòng pháo mới cho Quân đội Liên Xô như 2S7 Pion, Malka và 2S19 Msta.
Do những biến động thời hậu Liên Xô, nhà máy Barricade bị tách thành nhiều đơn vị khác nhau. Dẫu vậy, họ vẫn hợp tác cùng sản xuất tên lửa đạn đạoTopol-M cho Quân đội Nga và phát triển dòng tên lửa đạn đạo chiến thuật tiên tiến Iskander. Sau đó đến năm 2009 là việc phát triển mẫu tên lửa đạn đạo liên lục địa mới của Quân đội Nga là RS-24 Yars.
Tuy nhiên việc tách ra thành từng nhà máy độc lập đã không giúp được các thành viên thuộc Barricade giữ được danh tiếng của mình cho đến khi chúng được hợp nhất thành một vào năm 2014.