Điều chưa biết về bảo vật quốc gia trong chùa Phổ Quang vừa bị cháy lớn

TPO - Bảo vật quốc gia bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) hư hỏng sau vụ cháy hôm 23/10. Đây là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng sư tử hí cầu và cá hóa rồng trong mỹ thuật cổ. Đến nay chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại, gắn với các đồ án chạm khắc trang trí này.

Bảo vật quốc gia bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang (xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao, Phú Thọ) bị ám khói bề mặt, một số vị trí bị nứt vỡ sau vụ hỏa hoạn ngày 23/10.

Đây là công trình gắn với lịch sử của chùa từ cuối thế kỷ XIV, có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học đặc biệt góp phần làm nên giá trị của di tích. Bàn thờ Phật bằng đá chùa Phổ Quang được công nhận là bảo vật quốc gia vào năm 2021.

Bàn thờ được tạo tác cách đây gần 7 thế kỷ, bằng các kỹ thuật ghè đẽo, cưa, mài, khoan, đục và đánh bóng. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Theo hồ sơ của Cục Di sản văn hóa, bàn thờ Phật bằng đá tại chùa Phổ Quang là hiện vật gốc duy nhất có niên đại tuyệt đối năm Xương Phù thứ 10 (1387), khắc rõ tên những người tham gia tạo tác.

Đây cũng là hiện vật đầu tiên xuất hiện hình tượng sư tử hí cầu và cá hóa rồng trong mỹ thuật cổ. Đến nay, chưa từng phát hiện thêm hiện vật thứ hai có cùng niên đại, gắn với các đồ án chạm khắc trang trí này.

"Điều đặc biệt là bàn thờ Phật thạch tòa tại di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia chùa Xuân Lũng (tên gọi khác của chùa Phổ Quang) đã thể hiện sự kết hợp hài hòa trong nghệ thuật chạm khắc cổ với những họa tiết hoa văn trang trí gắn với thế giới Phật giáo, đồng thời mô tả hình ảnh cuộc sống cư dân miền trung du, Tây Bắc Việt Nam như hươu cặp hoa hải đường. Đây là nét đặc biệt riêng có, không tìm thấy ở các các hiện vật cùng thời", tài liệu của Cục Di sản văn hóa nêu.

Mặt trước của bàn thờ.

Hiện vật này từ khi được tạo tác đến nay vẫn được sử dụng làm nơi đặt lễ phẩm, hương hoa cúng Phật, đặt bộ tượng Tam Thế ở chùa Phổ Quang.

Ngoài ra, hiện vật cũng có hình thức độc đáo, thể hiện kỹ thuật tạo tác và nghệ thuật chạm khắc đá độc đáo của nghệ nhân dân gian.

Hình tượng Garuda ở góc bàn thờ. Ảnh: Cục Di sản văn hóa.

Thông qua hệ thống hoa văn trang trí, Cục Di sản văn hóa nhận định đến nay, trên phạm vi cả nước, số hiện vật điêu khắc mang niên đại tuyệt đối từ thời Trần còn lại không nhiều.

Điều kiện tư liệu hiện nay chỉ ra rằng đây là một trong những bàn thờ Phật có sự xuất hiện của hình tượng sư tử hí cầu và cá hóa rồng thuộc loại sớm nhất trong nghệ thuật tạo hình ở nước ta.

Hiện vật cũng được đánh giá có giá trị cao về thực tiễn, có đóng góp tích cực đối với sự nghiệp giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.