Hậu Cánh Diều:
Điện ảnh vẫn hoang sơ và hồn nhiên
>Cánh diều 2011 thiếu thuyết phục
1.Phim
Vũ điệu đường cong, Lệnh xóa sổ, Lệ phí tình yêu, Hello cô Ba, Ngôi nhà trong hẻm là những phim buồn cười nhất mùa giải năm nay.
Ngôi nhà trong hẻm - phim dọa ma nhưng vô số chi tiết gây cười, ví dụ Thành (Trần Bảo Sơn) ngã trên cao xuống không dưới 4 lần, kiểu ngã hệt nhau, khiến anh khổ sở cả trường đoạn lê thê (sau thêm băng bó tay).
Có khán giả cáu: “Sao không ngã thêm lần nữa cho chết luôn, cà nhắc cà khổ mãi sốt cả ruột”.
Thảo vợ Thành (Ngô Thanh Vân) tát một cái, lập tức má anh chồng đỏ lòm! Người ta có thể tát rơi răng, sưng tím mặt nhưng không dễ bật máu má. Ngược lại, bị vợ cầm rìu phang một nhát đi hết ngón cả bàn tay nhưng Thành không hề hấn, vẫn đứng ngồi bình thường, thoại vô tư.
Xem Lệnh xóa sổ thấy đấm đá “hự hự” từ đầu đến cuối, lại cả đấu kiếm chan chát giữa thanh thiên bạch nhật Sài thành thế kỷ 21- có lời giải thích “đạo diễn là võ sư mà”.
Cô gái mù (Đinh Ngọc Diệp) bỗng dưng sáng mắt. Hóa ra cô là cảnh sát điều tra chứ nào phải người thường, còn vì sao giả mù, vờ bị hiếp thì chịu! Một lúc, cô ra hiệu thay vì trả lời, thế là lại có người thảng thốt “giờ nó lại câm nữa à!”.
Ngôi nhà trong hẻm thoại cực nhạt, được cái nhân vật hay chèn tiếng Anh “Dạ con bai bai mẹ” “Dạ em ô-kê anh”. Phim của Việt kiều có khác. Bà mẹ cứ đàm thoại cho con giai lại có câu “mẹ phải đi Hà Nội có việc gấp”. “Fan” ngồi bên tôi giải thích giùm: “Bà ấy phải nói đi Hà Nội để thanh minh vì sao nói giọng Bắc giữa một đàn toàn tiếng Nam”.
Ngôi nhà trong hẻm được báo chí PR rầm rộ, nào bom tấn kinh dị Việt, nào Ngô Thanh Vân ma quái còn Trần Bảo Sơn xuất thần (có thần không mà xuất đã chứ). Giả khượt nhưng có giám khảo tấm tắc “nó thâm đấy”, có lẽ ám chỉ chiếc quan tài đứa trẻ sơ sinh lù lù trong nhà suốt chiều dài phim. Tôi thì nghĩ, đến cái tên phim còn đặt không sát (ngôi nhà lớn, mặt tiền rộng, đường phong quang lại bảo hẻm nọ hẻm kia), thì không thể thâm!
Lệ phí tình yêu (Bằng khen của BGK, đề cử Nữ chính xuất sắc cho Minh Hằng- một đề cử vô lý), cũng là phim “hài” từ đầu chí cuối. Cảnh cuối hài nhất- bắt chước ngô nghê phim Mỹ: hàng nghìn người tập thể dục, nhảy múa làm nền cho màn tỏ tình của Huy Khánh- Minh Hằng.
Còn Huy Khánh phải diễn vai nói dối, nhăn nhó thảm hại hết mùa Cánh Diều này mùa khác khiến mũi anh ngày càng khoằm xuống, dài ra thì phải. Và vẫn đường đường ngôi sao màn bạc, hằng ngày được báo mạng đề cập với những dòng tít kiểu “8 điều chưa biết về Mạc Anh Thư- người yêu của Huy Khánh”.
Khi cùng lúc làm được những phim thị trường như Hotboy nổi loạn dễ xem, có tìm tòi, và Lệ phí tình yêu- như thể chế nhạo khán giả, thì việc bị BGK xếp hai phim một chiếu (bằng khen) cũng đáng cho nhà sản xuất BHD thôi.
2.Trao giải
Được mời xướng giải biên kịch phim truyền hình, đạo diễn Nguyễn Hữu Phần giới thiệu trang trọng người đứng cạnh: “Nhật Kim Anh, nữ diễn viên xinh đẹp đóng nhiều phim điện ảnh và truyền hình, từng đoạt giải tại Liên hoan phim quốc tế”. Còn “bạn diễn” của ông, đến lượt mình, trịnh trọng gọi ông là chú Nguyễn Hữu Phân, đạo diễn Nguyễn Hữu Phân. Không chỉ một lần.
Giả định rằng, dù chung một ngôi nhà điện ảnh, Nhật Kim Anh chưa hề nghe tên các phim đạo diễn này làm bao giờ: Em còn nhớ hay em đã quên, Ngọt ngào và man trá, Gió làng Kình, Ma làng… Và giả dụ có tình huống sau đây: “Kim Anh, em sẽ lên trao giải cùng chú Phân, đạo diễn Nguyễn Hữu Phân nhé” “Gì ạ? Chú Phân? Đạo diễn Phân?”. Phải hỏi cho ra nhẽ chứ, tên Phân thật à.
Xét trên phương diện phương ngữ, thì Nhật Kim Anh người Thanh Hóa chứ có phải Hà Tây đâu mà bay mất dấu huyền của người ta.
Hàng loạt phốt nói sai, nhịu đêm trao giải nhưng người duy nhất làm cái việc cải chính- hộ bạn diễn- là đạo diễn gạo cội NSND Huy Thành: “Phim Biệt động Sài Gòn của Đặng Minh Quang chứ không phải Đặng Quang Minh”.
Khi MC Dương Thùy Linh mời “ông Nguyễn Minh Phương lên nhận giải Lý luận phê bình”, người ta thấy hóa ra một “chị” tươi cười lên sân khấu và rồi chẳng ai giải thích chữ nào! Tuế tóa, hồn nhiên thế đấy.
Phần phát biểu hiếm hoi cảm động tối 17-3 là của Hiếu Hiền nhận giải Nam phụ xuất sắc. Anh giơ cao bằng chứng giải, nói mình tặng nó cho mẹ (một nghệ sĩ nổi tiếng, đã khuất), cho cha đang bệnh, người vợ “đẹp gái” (ý nói khác hẳn tôi, tôi may thế đấy) và cậu con “đẹp trai rất giống Hiếu Hiền”.
Phát biểu có cả sự tự trào này rất phù hợp với ngoại hình thấp đậm ngộ nghĩnh và vai diễn mộc mạc trong Hotboy của anh. Ngay sau đó MC Quyền Linh, mang phong cách dẫn chương trình Lục lạc vàng sang, hồn nhiên chúc Hiếu Hiền hãy cố cao bằng Ngô Thanh Vân!
Chưa đến phần công bố giải phim truyện nhựa, chồng bạn tôi một khán giả tên Hoan, nói đùa: “Thôi Mùi cỏ cháy thắng chắc chứ còn gì nữa. Bộ đội tất nhiên level (đẳng cấp) phải hơn bọn hotboy hotgirl, Long ruồi Long muỗi rồi. Cô gái điếm doanh thu có thể khá đấy nhưng chả nhẽ định qua mặt anh Thạc”. Tất nhiên BGK có lý do của họ.
Một vị cho biết: “Có tới 11/13 giám khảo dị ứng với Hotboy nổi loạn hay là câu chuyện về thằng Cười, cô gái điếm và con vịt. Chưa xem phim đã có chị nhà báo cùng trong giám khảo nói các anh chuẩn bị mà xem một phim tởm lắm. Còn tôi xem nửa phim là bỏ ra, không chịu nổi. Những gì phản tự nhiên, đồng tính bệnh hoạn sẽ bị đào thải. Đàn ông gì mà hôn nhau, ngủ với nhau”.
“Anh nói vậy không sợ người ta nghĩ anh kỳ thị?” “Tôi quan niệm thế đấy. Không hợp qui luật không thể tồn tại. Bây giờ lại còn bỏ tiền làm phim về đồng tính, giống như trên mạng gần đây đưa chuyện con chó hai chân để khen nó dũng cảm!”.
Dù gì thì BGK (trẻ nhất là Lê Khanh 49 tuổi còn chủ yếu U80, U70, U60) cũng được đánh giá “không quá già” khi cho Long ruồi, một phim hành động kiểu Hollywood nhưng không tới, về nhì. Chỉ có điều nếu áp vào tiêu chí giải thì có khó hiểu tí: “Mang đậm bản sắc dân tộc, giàu giá trị nhân văn, đạt hiệu quả xã hội tích cực” (!) Còn Sài Gòn Yo, phim lộn xộn về nam thanh nữ tú nhảy Hiphop, điểm thêm tí tình yêu trắc trở và bi kịch giàu nghèo, bị nhiều giám khảo cười ngặt nghẽo lúc đang xem, chung cuộc thấy vẫn đoạt giải Bạc.
3.Giám khảo
Từ Diễn đàn văn học Việt- Mỹ tổ chức ở Huế trở về, Hữu Thỉnh ngồi vào ghế giám khảo Cánh Diều. Tư cách nhà thơ? Nhà báo? Chủ tịch Hội LHVHNT Việt Nam? Nghe nói ông mào đầu trong họp giám khảo “hôm nay lần đầu tiên tôi đi thực tế sang ngành điện ảnh”.
Hỏi một vị rằng nhà thơ Hữu Thỉnh ủng hộ phim nào, anh đáp: “Ông ấy không ý kiến, mọi người khen phim nào thì ông ấy theo thôi. Thấy Đặng Hữu Phúc bỏ phiếu giải âm nhạc cho kình địch Đỗ Hồng Quân, ông Thỉnh chạy lại bắt tay nhạc sĩ Phúc bảo sẽ kể ngay chuyện này cho Quân để mừng, thế thôi”.
Lúc đèn chuẩn bị tắt để chiếu Tâm hồn mẹ, nhà báo Đoàn Minh Tuấn, thành viên BGK, trêu Chủ tịch Hội Nhà văn VN: “Anh Thỉnh ngồi gần gần tí, phim này làm tình liên tục đấy”.
Ba ngày, BGK phim truyện nhựa và BGK báo chí ngồi cạnh nhau cùng xem phim. Có vẻ giám khảo năm nay không lập nghiêm như những năm trước, cười nói ồn ào phết, bình luận rôm rả.
Có nhà báo kể buổi trưa chị đi ăn bún đậu cũng ngồi cạnh giám khảo, nghe họ chê phim này phim nọ nát nước nhưng khi kết quả hiện ra, chị thấy họ bầu chính phim họ chê. Còn đêm trao giải ở Cung Văn hóa Hữu nghị, nghe nói khi mọi người chúc mừng sớm Hoàng Nhuận Cầm vì nghe đồn Mùi cỏ cháy của anh đoạt Cánh diều Vàng, thì anh đáp: “Không biết thế nào đâu, trước 5 phút cũng có thể thay đổi. Như hồi liên hoan phim ở Phú Yên đấy.
Để tránh “nói một đằng làm một nẻo”, 16 thành viên BGK báo chí đã công khai phiếu bầu của mình tại trận: 11 người bỏ cho Hotboy, 5 cho Mùi cỏ cháy và chung cuộc Hotboy thắng dù không phải không có sự lăn tăn.
Nghe đâu Hội Điện ảnh đang xem xét đưa Cánh Diều trở về qui mô cũ- như trước kia và như giải thưởng hàng năm của các hội nghề nghiệp khác. Đây là vấn đề nên bàn nghiêm túc.
Chốt lại một mùa giải không phải quá thất bát như Cánh Diều năm nay, có thể lẩy ý vui vui như sau: Một phim ngã 4 lần (Ngôi nhà trong hẻm); Một phim ăn cắp 3 lần (Tâm hồn mẹ); Khi cô gái mù thành công an (Lệnh xóa sổ); Khi trường đại học chỉ có một giáo sư (Lời nguyền huyết ngải- vị giáo sư duy nhất này do Thành Lộc thủ vai, ngoài ông ra không có ai dạy nữa ở cái trường đại học thênh thang); Khi thiếu tá tình báo biến thành ông trùm (Lệnh xóa sổ - thiếu tá tình báo Nguyễn Thành Luân, thần tượng điện ảnh ngày nào nay biến thành ông trùm chảy xệ, cố làm vẻ bí hiểm, chỉ oai vệ nhất khi tao “ra lệnh xóa sổ thằng Hoàng”); Khi người xấu biến thành người tốt không nguyên cớ (Lệ phí tình yêu- Ngọc Quyên vào vai tình địch của Minh Hằng, cuối phim đột ngột thành đồng minh thân thiết không lý do); Phim hài cấm cười (Hello cô Ba, Long ruồi). Và cuối cùng: Khi nhà thơ làm giám khảo Cánh Diều (Hữu Thỉnh).
Ban giám khảo phim truyện nhựa năm nay đông kỷ lục: Bùi Đình Hạc (trưởng ban), Văn Lê, Trần Luân Kim, Đào Văn Biên, Nguyễn Trịnh Thái, Hữu Thỉnh, Đặng Hữu Phúc, Đoàn Minh Tuấn, Đỗ Minh Tuấn, Trần Quốc Dũng, Lê Khanh, Tô Hoàng, Ngô Ngọc Ngũ Long.