Điểm 0 thi trắc nghiệm khiến thi sinh đỗ thành trượt: Các chuyên gia nói gì?

TPO - Về nguyên tắc đã thi trắc nghiệm, điểm 0 gần như không có. Trừ trường hợp thí sinh cố tình không làm bài hoặc hạn hữu lắm mới có trường hợp làm nhưng không “đánh trúng” câu nào. Vậy tại sao lại xuất hiện nhiều điểm 0 trong kỳ thi THPT quốc gia 2019?

Là trưởng ban chấm thi trắc nghiệm tại Thanh Hóa, PGS. Trần Văn Tớp, phó hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, phần mềm chấm thi năm nay đưa ra hai lỗi cơ bản của thí sinh khi làm bài trắc nghiệm. Đó là lỗi bắt buộc người chấm phải sửa. Với lỗi này, có 2 dạng mà thí sinh hay mắc phải mà phần mềm năm nay đều phát hiện ra.

Thứ nhất thí sinh tô sai số báo danh, tô số báo không tồn tại hoặc tô nhầm số báo danh của người khác. Lỗi này phải sửa. Mỗi thí sinh của mỗi địa phương chỉ có duy nhất một số báo danh định dạng, không có người thứ hai có. Do đó, khi tô nhầm sẽ sang số báo danh của khác. Việc này sửa rất dễ, đơn vị chấm thi sẽ tra theo đúng tên, ngày tháng năm sinh của thí sinh để trả lại số báo danh cho thí sinh.

Nhưng có những thí sinh tô số báo danh không tồn tại. PGS. Tớp lấy ví dụ tại Thanh Hóa, có 35.000 thí sinh dự thi, nhưng có thí sinh tô đến số báo danh 60.000. Các thầy chấm cũng phải tìm để trả lại số báo danh cho các em.

Thứ hai là tô mã đề. Phần mềm năm nay khác với năm trước là quét bài làm theo từng phòng thi. Vì vậy, mới soát được việc thí sinh tô trùng mã đề. Những năm trước, quét theo điểm thi nên phần mềm không có chức năng này. Khi trùng mã đề, đơn vị chấm phải sửa. Các thầy cô căn cứ vào vào sơ đồ phòng thi, danh sách nộp bài thi của phòng thi để sửa về đúng mã đề cho thí sinh.

Theo PGS. Trần Văn Tớp, hai lỗi này là hai lỗi bắt buộc phải sửa cho thí sinh. Nếu không sửa, phần mềm sẽ không chạy.

Nhưng cũng có trường hợp trùng mã đề sau khi thí sinh làm bài. Lỗi này không phải của các em mà của chính đơn vị in sao đề. Ở Thanh Hóa, có một phòng thi có 25 mã đề thay vì 24. Do đó mà có 2 đề trùng mã. Vấn đề này lại được phát hiện ra sau khi thí sinh làm bài được 15 phút. Phòng thi đã báo cáo ban chỉ đạo, xin ý kiến của hội đồng thi và Hội đồng thi chấp nhận. Trùng mã đề nhưng buộc phải chấp nhận và có biên bản nên vẫn chấm bình thường.

Ngoài ra, PGS. Trần Văn Tớp cho hay có những lỗi thông thường khác mà thí sinh mắc phải. Những lỗi này, được phần mềm chấm thi cảnh báo như tô mờ quá mà máy không nhận ra. Vì vậy, những câu hỏi mà không có đáp án, phần mềm khuyến cáo nên mở bài thi đó ra để xem xét có tô mờ đáp án không.

Thứ hai là thí sinh tô đúp đáp án. Về lý thuyết thí sinh phải tẩy một đáp án, nhưng các em tẩy không hết nên vẫn còn vết. Do đó, phần mềm cũng khuyến cáo người chấm nên mở bài thi của thí sinh ra xem.

Vì quyền lợi của thí sinh

PGS. Trần Văn Tớp khẳng định ông đánh giá phần mềm năm nay được bảo mật rất tốt, bảo mật từ khâu mã hóa bài thi (Phách điện tử).

Nếu sửa những lỗi bắt buộc phải sửa (số báo danh, mã đề) thì người sửa không thể nhìn được bài làm của thí sinh.

Ngược lại nếu sửa những lỗi cảnh báo như lỗi cảnh báo như tô mờ, tô đúp thì lại không nhìn được số báo danh của thí sinh. Tất cả file đều được mã hóa, muốn mở thì phần mềm thông thường không mở được.

Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm chấm 102.000 bài thi trắc nghiệm của Thanh Hóa. Như trước đó PGS. Trần Văn Tớp đã thông tin, khi quét bài thi, phần mềm phát hiện có 11.000 bài thi có lỗi phải sửa hoặc cảnh báo.

Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, ban chấm thi trắc nghiệm của trường đã mở các bài thi để đối sánh. Mỗi bài thi mất 3 người làm. Trong đó 1 người làm chính và 2 người giám sát. Chính vì vậy rất mất thời gian.

“Phần mềm chỉ cảnh báo những lỗi không bắt buộc phải sửa. Chính vì vậy, việc sửa hay không sửa là tùy vào trách nhiệm của các ban chấm thi. Chúng tôi cũng khẳng định là vì trách nhiệm của mình với học sinh nên mới ngồi đối soát cẩn thận cho các em. Do đó, vừa qua, Thanh Hóa có 600 bài trắc nghiệm xin phúc khảo nhưng không có bài nào bị thay đổi điểm thi đã chấm trước đó” - PGS. Trần Văn Tớp khẳng định.