Dịch 'đi' rồi mình về cũng được

TP - “Có hôm bận tối mắt mũi chẳng cầm đến cái điện thoại. Cứ nghỉ ăn cơm được một lúc lại chạy đi làm tiếp. Thành thử chẳng màng đến Tết hay chuyện được về sớm muộn, chỉ gắng sức làm việc mong cho mau hết dịch…”, bác sĩ Thắng trải lòng.
Đoàn y tế tình nguyện của Đà Nẵng sẵn sàng ở lại xuyên Tết giúp Gia Lai chống dịch

Đó cũng là tinh thần chung của đoàn y tế Đà Nẵng đang hỗ trợ tỉnh Gia Lai những ngày giáp Tết. Trong đoàn có mái đầu bạc, có người chưa vợ con, nhưng ai cũng sẵn lòng gác Tết để chung sức chống dịch. 

Làm việc ngày đêm

Sợ phiền mọi người bận bịu làm việc trong giờ hành chính, tôi nán đến hơn 12 giờ trưa rồi gọi điện, mới hay lúc ấy vừa bắt đầu bữa cơm. Bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng, Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng (trưởng đoàn), nói rằng, đoàn 8 người chia làm hai nhóm, một nhóm hỗ trợ việc truy vết, giám sát F1, F2, các ổ dịch…, nhóm còn lại hỗ trợ về ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý số liệu xét nghiệm, trả kết quả… Cả hai nhóm vừa hướng dẫn vừa làm cùng đội ngũ y tế của tỉnh Gia Lai bởi địa phương này chưa có nhiều kinh nghiệm. “Thông tin, số liệu mọi người phải xử lý liên tục, có khi làm đến 0h mới được nghỉ ngơi”, bác sĩ Hồng kể.

Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng động viên bác sĩ Nguyễn Tiên Hồng cùng các thành viên khác lên đường đi chống dịch những ngày giáp Tết

26 tuổi, bác sĩ Lê Văn Quốc Huy (Trung tâm Y tế quận Sơn Trà, Đà Nẵng) là một trong hai thành viên của đoàn tình nguyện chưa có vợ. Khi hay tin cần nhân lực y tế lên Gia Lai hỗ trợ chống dịch, Huy chẳng chần chừ đăng ký tham gia. Anh tự tin lên đường bởi đã có kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh trong những đợt dịch trước tại Đà Nẵng. Ở Gia Lai, hằng ngày, anh Huy đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) chia sẻ kinh nghiệm và hướng dẫn ứng dụng các biểu mẫu của Đà Nẵng trong việc điều tra dịch tễ. Làm xong ban ngày, ban đêm, anh cũng phải “canh” điện thoại để giải đáp nếu mọi người có vấn đề thắc mắc. 

Đang trò chuyện giữa chừng, anh Huy phải bỏ ngang vì đoàn gọi đi làm. Mãi cả tiếng đồng hồ sau mới tranh thủ được ít phút. Anh Huy bảo công việc chẳng nặng nhọc, nhưng tốn rất nhiều thời gian. “Ở đây 4 huyện dính dịch đều ở miền núi, cách thành phố hơn 100km. Mỗi khi có thông tin tên tuổi, yếu tố dịch tễ…thì các huyện này đều gửi lên file thô, hoặc chụp ảnh, CDC phải huy động mọi người đánh máy lại từ đầu. Sắp tới đây, chúng tôi sẽ cố gắng đưa “máy tính hóa” về các huyện để dưới đó nhập thẳng vào hệ thống, vừa đỡ mất thời gian, vừa dễ quản lý như cách ở Đà Nẵng từng làm”, bác sĩ Huy chia sẻ.

Dù chia nhóm, nhưng bác sĩ Bùi Thức Thắng (CDC Đà Nẵng) bảo mọi người lúc nào cũng linh hoạt làm đủ việc. Anh kể: “Có lúc vừa truy vết, vừa xử lý thông tin. Lúc nhiều việc quá thì mình như “thợ đụng”, gì cũng làm cả. Công việc trên này không ít, song so với khối lượng của Đà Nẵng trước kia thì vẫn nhẹ hơn nhiều. Tôi cũng như cả đoàn đều làm với tinh thần hết lòng, cẩn trọng để giúp Gia Lai sớm đẩy lùi dịch bệnh”. 

Ở đến khi nào dịch đi

Tôi còn nhớ như in trưa 5/2, trời Đà Nẵng nắng ấm. Đoàn tình nguyện có mặt đầy đủ ở Trung tâm hành chính thành phố, mọi người đến chia tay và động viên các bác sĩ lên đường. Bác sĩ Hồng đầu đã bạc trắng mang trên người chiếc áo gió giản đơn, vai khoác ba lô bước vội lên xe vẫy tay tạm biệt khiến ai nhìn cũng ứa nước mắt. Ông trầm ngâm trong đời ông đã đi tình nguyện, công tác rất nhiều nơi, vùng sâu vùng xa có cả, nhưng đi chi viện trong bối cảnh dịch bệnh đầy phức tạp và có thể xuyên Tết thế này thì đây là lần đầu.

Bác sĩ Thắng vẫy tay tạm biệt đồng nghiệp trước khi lên đường chi viện Gia Lai

Hôm mới tới Gia Lai, tìm hiểu thấy việc thu thập số liệu trước đó chưa được đầy đủ, đoàn phải xử lý từng bước một, đến nay đã ổn hơn nhiều. Ông kể: “Mỗi địa phương mỗi điều kiện kinh tế, xã hội, năng lực khác nhau. Chỗ nào họ thiếu sót thì mình giúp. Bây giờ, cơ bản Gia Lai đã nắm được những kỹ năng trong truy vết, xử lý thông tin… Ngoài mình ra thì địa phương này còn được rất nhiều đơn vị khác hỗ trợ nữa. Mình cũng tạm an lòng”. Giọng vẫn điềm nhiên, ông bảo, trước khi đi mọi người đã xác định sẵn sàng ở lại Tết, khi nào “người ta không cần giúp nữa” thì mới về.

Bác sĩ Huy cũng lần đầu tiên chống dịch xa nhà, đầy lạc quan. “Tôi không lo gì cả, mình tuổi trẻ đi đâu cũng được. Thú thật ai cũng mong Tết được về bên gia đình, nhưng nếu công việc còn nhiều, dịch bệnh còn phức tạp thì chúng tôi sẵn sàng ở lại. Ở đến lúc dịch “đi” rồi mình về cũng được”, anh nói.

Đến gần cuối chiều, bác sĩ Thắng mới gọi điện lại cho tôi sau khi tổng hợp tất cả số liệu, thông tin để cấp trên chuẩn bị họp trực tuyến quốc gia. Anh kể, có ngày chẳng cầm tới điện thoại. Cách  đây mấy hôm, biết vợ con về quê mà vẫn không gọi về hỏi thăm được. Hỏi anh có mong được về Đà Nẵng trước Tết không, anh thú thực: “Mấy ngày này không nghĩ chuyện Tết cũng không nghĩ chuyện về, vì quanh mình chẳng thấy không khí Tết đâu cả. Người nào người nấy đầu tắt mặt tối làm việc. Nên mình cũng gắng làm hết sức, mong sao dịch sớm được khống chế. Không ăn Tết năm này thì còn những năm sau nữa…”.