Nhà thiếu nhi tỉnh Tiền Giang do Tỉnh Đoàn quản lý có diện tích 2,7 ha nằm ở vị trí “vàng” với 3 mặt tiền. Cổng chính là đại lộ Hùng Vương, đối diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Nhà khách tỉnh, 2 mặt sau giáp đường Thủ Khoa Huân và Lê Đại Hành là nơi sinh hoạt, vui chơi giải trí của hàng nghìn em thiếu nhi ở thành phố và các huyện.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó GĐ Nhà thiếu nhi cho biết, thời gian qua Nhà thiếu nhi hoạt động hiệu quả, mỗi tháng phục vụ trên 600 em sinh hoạt năng khiếu, trò chơi. Hè năm nay, chiêu sinh 26 lớp với hơn 1.500 học viên các lớp như: Đàn organ, piano, vẽ, bơi lội, cầu lông…
“Chúng tôi chỉ nghe thông báo của UBND tỉnh là đến hết tháng 5 sẽ bàn giao 1 ha ở khu vui chơi để xây dựng trung tâm thương mại nhưng đến nay vẫn chưa có động tĩnh gì. Hiện, trung tâm vẫn hoạt động bình thường đến khi nào tỉnh xây dựng hoàn thành địa điểm mới thì mới chuyển đi nơi khác”, ông Minh nói. Trong diện tích 1 ha dự kiến thu hồi của Nhà thiếu nhi gồm có 1 nhà hát 3.000 chỗ ngồi, 2 nhà tròn, hồ dẫn nước, trò chơi trên cạn, câu cá…
Ngoài Nhà thiếu nhi tỉnh còn có một số đơn vị khác nằm trong danh sách phải nhường chỗ cho các công trình kinh tế là Trung tâm văn hóa tỉnh và Thư viện tỉnh cùng do Sở VH-TT&DL Tiền Giang quản lý. Các cơ quan này theo quy hoạch mới là sẽ di dời về khu Quảng trường ở xã Đạo Thạnh, cách trung tâm thành phố Mỹ Tho hơn 2 km, gần quốc lộ 50.
“Ở đây hoạt động nhiều năm nên người dân quen rồi. Giờ di dời nơi khác cho dù có rộng hơn gấp 3 lần mà không có người lui tới sẽ lãng phí hơn nữa”.
Ông Lý Thiện Hoàng, GĐTTVH Tiền Giang
Trung tâm văn hóa tỉnh Tiền Giang có diện tích 6.000 m2 nằm ở mặt tiền đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, mặt sau liền kề với hồ nước, dự kiến sẽ nhường chỗ cho doanh nghiệp xây khách sạn cao tầng. Thư viện tỉnh có diện tích 3.000 m2, xây dựng 1 trệt 2 lầu tại vị trí quay mặt về hồ nước, cạnh khách sạn Mê Kông, dự kiến sẽ giao cho khách sạn này.
Chị Hương, cán bộ Thư viện tỉnh Tiền Giang cho biết, Thư viện tồn tại 15 năm, có gần 8.000 đầu sách, trung bình mỗi ngày có khoảng 300 lượt bạn đọc là cán bộ hưu trí, học sinh đến mượn và đọc sách. “Ở đây nhiều năm quen rồi, sắp tới di dời sang nơi khác không biết bạn đọc có còn mặn mà nữa không khi họ phải di chuyển một quãng đường xa hơn”, chị Hương tâm sự.
Mặc dù chủ trương chưa công bố rộng rãi nhưng nhiều người rất quan tâm, đặc biệt là những người trong cuộc. Ông Lý Thiện Hoàng, Giám đốc Trung tâm văn hóa tỉnh Tiền Giang nói: “Chúng tôi chỉ nghe thông tin di dời nhưng chưa có quyết định chính thức. Chủ trương thì chúng tôi chấp hành nhưng phải làm sao đem lại hiệu quả cao nhất. Muốn tạo được địa chỉ văn hóa thì không chỉ ngày một ngày hai làm được mà phải mất từ 5-10 năm mới tạo được thói quen học tập, sinh hoạt”.
Theo ông Hoàng, xây dựng thiết chế văn hóa theo quy định của Bộ VH-TT&DL thì địa điểm phải nằm ở vị trí thuận lợi mới hoạt động tốt, thu hút người dân tham gia. Ông dẫn chứng một số Trung tâm văn hóa Trà Vinh và một số tỉnh khác, dời ra ngoại ô người dân không mặn mà đến đó. Bây giờ muốn đưa trở lại trung tâm thành phố thì không còn đất.
Ông Lê Văn An, Chánh Văn phòng Sở VH-TT&DL Tiền Giang cho biết, từ lâu tỉnh đã có chủ trương chung quy hoạch các cơ quan hành chính, văn hóa về khu Quảng trường mới đang xây dựng. Theo đó, trước tiên sẽ di dời Nhà thiếu nhi, Trung tâm văn hóa, Thư viện và Bảo tàng rồi dần dần tới những cơ quan khác khi cơ sở vật chất hoàn thiện.