Theo báo cáo nhanh của Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, tính đến 16h ngày 7/9, lực lượng chức năng đã di rời 476 hộ dân ra khỏi vùng nguy cơ cao chịu ảnh hưởng bởi cơn bão số 3.
Theo đó, tại thành phố Hòa Bình chính quyền đã thực hiện di rời 121 hộ dân về nơi an toàn. Trong đó, có 51 hộ, 171 nhân khẩu tại Làng Vạn chài thuộc tổ 14, phường Thịnh Lang; 10 hộ với 11 nhân khẩu sinh sống ở các lán trại tại đê Ngòi Dong, thuộc phường Thịnh Lang.
Đồng thời, lực lượng chức năng thành phố đã di dời khẩn cấp 60 hộ dân với 160 nhân khẩu đang sinh sống tại 2 dãy nhà A8, A9, phường Tân Thịnh - đây là 2 tòa nhà đã được sử dụng trong sau nhiều năm, có tình trạng kỹ thuật mức 3 (công trình trong tình trạng nguy hiểm, tồn tại nhiều khuyết tật, hư hỏng có thể dẫn đến phá hủy kết cấu, không đảm bảo yêu cầu sử dụng).
Tại huyện Lạc Sơn, 125 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng do cơn bão số 3. Ngoài ra, mưa to kèm gió giật mạnh đã làm bay mái nhà lợp Proximang của 5 hộ dân; điểm chính Trường mầm non xã Miền Đồi bị tốc toàn bộ mái nhà bếp với diện tích khoảng 200m2.
Đối với sản xuất nông, lâm nghiệp thiệt hại khoảng 100 ha lúa và hoa màu đang trong thời gian chuẩn bị cho thu hoạch. Ước tính ban đầu, tổng thiệt hại do con bão gây ra trên địa bàn huyện Lạc Sơn là khoảng trên 1,64 tỷ đồng.
Còn tại các địa phương khác: Huyện Lương Sơn phải di rời 19 hộ dân; huyện Lạc Thủy di rời 24 hộ dân; huyện Kim Bôi di rời 19 hộ dân; huyện Tân Lạc phải di rời 108 hộ dân; huyện Yên Thủy thực hiện sơ tán 60 hộ.
Toàn tỉnh Hòa Bình có 178 ngôi nhà bị hư hỏng do ảnh hưởng của mưa bão, phần lớn là các ngôi nhà lợp bằng proximang và ngói bị gió thổi tốc mái.
Về nông về nông lâm nghiệp, tổng diện tích bị thiệt hại trên địa bàn toàn tỉnh là 748,8ha. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là huyện Lương Sơn với 349,5ha (lúa 307ha; hoa màu 42,5ha); huyện Cao Phong hư hỏng 196ha lúa, hoa màu và một số cây trồng lâu năm; 125ha lúa và hoa màu của bà con huyện Lạc Thủy bị hư hại;...
Mưa kéo dài kèm dông lốc trên diện rộng cũng gây sạt lở đường tỉnh lộ 433 thuộc địa phận xã Hòa Bình, TP Hòa Bình; chìm 4 thuyền và 4 bè cá trên địa bàn huyện Đà Bắc và Cao Phong; đổ gẫy 1 cột điện hạ thế tại huyện Mai Châu.
Các địa phương hiện đang tập trung ứng phó, khắc phục tạm thời và thống kê thiệt hại do mưa bão gây ra.
Hình ảnh mưa, dông lốc gây thiệt hại ở Hòa Bình:
Yên Bái lên phương án di dời hơn 10.000 người để tránh bão
Thông tin từ Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Yên Bái, do ảnh hưởng của bão số 3, từ đêm 6 đến ngày 7/9, toàn tỉnh Yên Bái đã có 108 nhà ở bị thiệt hại, trong đó có 20 nhà tại huyện Trấn Yên phải di dời khẩn cấp bảo đảm an toàn; nhiều nhà dân tại huyện Văn Yên, Văn Chấn và Trấn Yên, Lục Yên bị tốc mái.
Có hơn 77 ha cây trồng bị gẫy đổ; 105 con gia cầm bị chết; nhiều cây xanh, pa-nô biển báo bị gẫy đổ. Gió bão còn làm gẫy đổ 3 cột điện hạ thế.
Yên Bái cũng đã lên phương án di dời 10.438 người dân đến nơi an toàn trong 3 tình huống, ngập lụt trên báo động 3, nguy cơ cao lũ quét và nguy cơ cao sạt lở đất.
Mưa lớn có khả năng kéo dài đến 10/9. Từ 11/9, mưa giảm nhanh cả về diện và lượng, chỉ còn xảy ra mưa rào và dông rải rác tập trung vào chiều tối và đêm.
Hiện mực nước trên sông Thao tại Yên Bái, sông Ngòi Thia đang biến đổi chậm. Mực nước lúc 7h ngày 7/9 trên sông Thao là 25,88m (dưới báo động 1: 4,12m); sông Ngòi Thia là 39,94m (dưới báo động 1: 4,56m).
Dự báo, từ 7/9 đến 10/9, trên các sông suối trong tỉnh khả năng xuất hiện một đợt lũ, với biên độ lũ lên từ 2 - 5m.
Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái, sông Ngòi Thia khả năng đạt mức báo động 1, báo động 2, các sông suối nhỏ trên mức báo động 2.
Nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các khu vực trong tỉnh, đặc biệt tại các huyện: Mù Cang Chải, Trạm Tấu, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên, Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, TP Yên Bái.
Ngập úng tại các vùng trũng thấp ven sông suối, khu đô thị đặc biệt tại các huyện: Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Yên Bình, TP Yên Bái. Độ sâu ngập từ 0,3 - 0,5m, có nơi cao hơn; thời gian ngập phổ biến từ 1 -3 giờ, có nơi thời gian ngập lâu hơn.
Để chủ động ứng phó bão số 3, tỉnh Yên Bái đã lên kế hoạch sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để ứng cứu khi có yêu cầu; chuẩn bị lực lượng, phương tiện để hướng dẫn và kiểm soát giao thông tại các tuyến đường ngập sâu, khu vực ngầm tràn đảm bảo an toàn cho người và phương tiện.
Tỉnh huy động hơn 63.000 người, gồm lực lượng bộ đội thường trực, công an, dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên sẵn sàng làm nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra. Ngoài ra, các địa phương huy động trên 2.100 ô tô, tàu xuồng, máy xúc các loại và hơn 71.000 trang thiết bị khác, nhu yếu phẩm tại chỗ.
Tỉnh Yên Bái cũng đã yêu cầu các sở, ngành thành viên Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức theo dõi sát thông tin dự báo, diễn biến tình hình bão, mưa, lũ. Kịp thời chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ” không để bị động, bất ngờ.
Thực hiện tốt các nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy về tập trung ứng phó khẩn cấp bão số 3 và Công điện của UBND tỉnh; tổ chức kiểm tra, đôn đốc, triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả công tác phòng ngừa, ứng phó với bão, mưa, lũ với tinh thần phải chủ động phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước.