Bản Di chúc là một văn kiện mang ý nghĩa thời sự sâu sắc
Hội nghị đã nghe ông Vũ Ngọc Hoàng- Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương giới thiệu các nội dung cơ bản của Di chúc và những định hướng lớn trong công tác tuyên truyền.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lời căn dặn cuối cùng của một lãnh tụ thiên tài, một nhà cách mạng lỗi lạc có tầm nhìn xa, trông rộng. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện mang ý nghĩa thời sự sâu sắc và có giá trị vô cùng to lớn đối với quá trình cách mạng và sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc ta trên nhiều phương diện, nó vạch ra phương hướng cho Cách mạng Việt Nam cả hôm nay và trong tương lai.
Bản Di chúc vừa là văn kiện của một nhà chính trị lớn, vừa là tác phẩm nghệ thuật tầm cỡ của một nhà văn hóa lớn, thể hiện phẩm chất đạo đức sáng ngời suốt đời phục vụ cách mạng, phục vụ Tổ quốc và nhân dân của người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất...
“TRƯỚC HẾT NÓI VỀ ĐẢNG”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu “ĐOÀN KẾT là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình.
Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau”.
Với thế hệ trẻ, Người ân cần dặn dò, “ĐOÀN VIÊN THANH NIÊN ta nói chung là tốt, mọi việc đều hằng hái xung phong, không ngại khó khǎn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa "hồng" vừa "chuyên". Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Được biết, trong khối di sản tinh thần mà Người để lại cho dân tộc Việt Nam, có 5 di sản đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia, đó là: Đường Kách mệnh; “Ngục trung nhật ký (Nhật ký trong tù)”; “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”; “Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước” và “Bản di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng
Ông Vũ Ngọc Hoàng nhấn mạnh Kỷ niệm 45 năm thực hiện di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể đảng viên, cán bộ và nhân dân: “Căn cứ vào nội dung trong di chúc và nhìn thấy được những cố gắng, những thành công và nhất là các mặt yếu để mà khắc phục. Đây không phải là một cuộc để tuyên truyền thành tích, nhưng mà mặt khác cũng phải nhìn thấy những cố gắng, những thành công, của toàn Đảng, toàn dân 45 năm qua trong việc thực hiện di chúc của Người”.
Theo kế hoạch, bên cạnh việc tăng cường nội dung tuyên truyền giáo dục ở các cấp sẽ có nhiều hoạt động lớn như: Hội thảo khoa học, xây dựng và chiếu phim tài liệu, chương trình nghệ thuật; tọa đàm, giao lưu... Đặc biệt, gắn tổ chức sinh hoạt chính trị Kỷ niệm 45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết hợp với sinh hoạt chuyên đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong năm 2014.
Trong đó, các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể ở Trung ương và địa phương tổ chức ôn lại nội dung, giá trị, ý nghĩa Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả 45 năm thực hiện Di chúc của Người gắn với kiểm điểm việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2014, xây dựng nội dung thực hiện năm 2015.
Thời gian tổ chức sinh hoạt chính trị tập trung triển khai trong các tháng 9, 10, 11 năm 2014.