Đề xuất xe khách chạy đêm sau 0 giờ: Lo đảo lộn quy hoạch

TP - Trước việc một số doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động tại các bến xe Hà Nội đề xuất mở bến sau 0 giờ để giảm quá tải, ùn tắc giao thông, ngày 18/3, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, sẽ xây dựng đề xuất thành phương án để trình UBND thành phố và báo cáo Bộ GTVT.
Sở GTVT Hà Nội cho biết sẽ xây dựng đề xuất thành phương án xe chạy sau 0 giờ Ảnh: T.Đảng


Thông tin với PV Tiền Phong chiều 18/3, ông Vũ Hà, Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội, cho biết, hiện nay, các tuyến vận tải hành khách cố định đi và đến Hà Nội được tập trung tại 6 bến xe, giờ xuất bến của xe khách tại các bến như sau: Nước Ngầm: từ 5h đến 24h, Giáp Bát: từ 5h đến 20h, Mỹ Đình: từ 5h đến 23h45, Gia Lâm: từ 6h đến 23h, Yên Nghĩa: từ 6h đến 21h45, Sơn Tây: từ 6h đến 19h… “Tuy có thời gian như vậy nhưng ngoài các khung giờ này, nếu có xe đến bến thì bến xe vẫn đáp ứng tiếp nhận kể cả khi đã đóng cửa”, ông Hà thông tin.

Ông Hà cũng cho biết, trên biểu đồ hoạt động hiện nay, các tuyến xe khách có “nốt” giờ xuất bến trong khoảng thời gian từ 19h (tối hôm trước) đến 6h (sáng hôm sau) hiện có 980 chuyến. Con số này chưa tính các xe xuất bến từ các tỉnh/thành phố từ đêm hôm trước tới 6 bến xe của Hà Nội trong khung giờ ban ngày. “Như vậy, có thể thấy xe khách chạy ban đêm là hoạt động bình thường đối với hoạt động vận tải hành khách tuyến cố định tại Hà Nội”, ông Hà nói.

Tuy nhiên, trước các đề xuất, yêu cầu của DN vận tải, phương án mà Sở GTVT đang nghiên cứu để trình thành phố và báo cáo Bộ GTVT là kéo dài thời gian phục vụ của bến xe để tăng khả năng tiếp nhận, đáp ứng thêm các nhu cầu đi lại của nhân dân vào các khung giờ thấp điểm, từ đó sẽ tạo thuận lợi cho công tác tổ chức giao thông. 

Hiệp hội không ủng hộ đề xuất

Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội (HTA), cho biết, ông chưa ủng hộ đề xuất vì một số lý do. Thứ nhất, tại các bến xe ở Hà Nội, lượng hành khách tuyến ngắn thường lập trung vào đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, gọi là “giờ vàng”. Tại khung giờ này, mật độ xe ra vào bến dầy đặc nên có hiện tượng ùn tắc cục bộ. Tuy nhiên, dịch Covid-19 xuất hiện đã làm lượng khách này giảm hẳn, có bến giảm đến trên 50% sản lượng hành khách.

Thứ hai, quy hoạch mạng lưới luồng tuyến vận tải của Bộ GTVT đã ấn định tần suất của 2 đầu bến, nay kéo dài “đóng bến” sau 24h sẽ đảo lộn quy hoạch, các xe trên tuyến sẽ tranh giành khách, gây mất trật tự an toàn giao thông. Thứ ba, tăng thêm giờ hoạt động trong khi lượng khách giảm, chi phí hành chính của bến xe tăng lên và các lực lượng quản lý như Thanh tra Giao thông, Công an phải tăng theo…