Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nữ lên 58 hoặc 60

TP - Trao đổi tại tọa đàm trực tuyến ngày 28/10 về điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, nên cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng về thời điểm điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, tăng lên bao nhiêu là hợp lý.
Tăng tuổi hưu đối với phụ nữ để “bảo đảm bình đẳng nam nữ”? (Ảnh chỉ có tính chất minh họa). Ảnh: Hồng Vĩnh.

Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) Phạm Minh Huân, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là một trong chính sách tận dụng dân số vàng đồng thời đối mặt với thách thức dân số già. Không thể né tránh được vấn đề này. Ông Huân cũng cho biết thêm, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đảm bảo tính bền vững của Quỹ Bảo hiểm xã hội. “Mô hình đóng bảo hiểm của chúng ta có bất cập. Đóng thì ít mà chi nhiều, hưởng nhiều dẫn đến mất cân đối”, ông Huân nói. 

Về phương án, ông Huân cho biết, sẽ phải điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cao hơn. Các trường hợp đặc biệt, ngành nghề độc hại ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe trước mắt sẽ giữ nguyên. 

“Chúng tôi đang dự kiến phương án nam tăng từ 60 lên 62 tuổi, nữ từ 55 tăng lên 58 hoặc 60 tuổi. Ý kiến cũng rất nhiều. Bản thân các chị phụ nữ cũng muốn tăng ngay để thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng trước mắt chỉ nên tăng lên 58 tuổi”, ông Huân nói.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cần phải tính toán bài toán kinh tế để giải quyết vấn đề tăng tuổi nghỉ hưu. 

“Phải căn cứ vào sức khỏe của người lao động, căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Vấn đề nữa là áp lực xã hội về quan hệ giữa cung cầu lao động. Nhiều người hỏi tôi là nâng tuổi nghỉ hưu thì học sinh, sinh viên, người có năng lực, trình độ sẽ ngồi ở đâu?”, ông Lợi đặt câu hỏi. 

Theo ông Lợi, phải tính toán về lâu dài bởi hệ thống pháp luật xây dựng không phải cho hôm nay, ngày mai mà là cho tương lai, đi trước đón đầu. Theo ông Lợi, Chính phủ phải cân đối, tính toán tác động và đưa ra Quốc hội xin ý kiến. 

“Vấn đề là thời điểm điều chỉnh tuổi hưu, đối tượng nào điều chỉnh trước, đối tượng nào điều chỉnh sau, tăng bao nhiêu là hợp lý để chúng ta đi trước đón đầu về vấn đề già hóa dân số. Và quan trọng là phải đảm bảo an sinh xã hội tốt nhất”, ông Lợi nói.

Theo ông Lợi, khi có thông tin tăng tuổi nghỉ hưu, nhiều người lo ngại một bộ phận cán bộ sẽ cố bám lấy cái ghế, mất cơ hội cho người trẻ. “Vấn đề này cũng có nhưng chỉ rơi vào một số cán bộ quản lý. Tôi nghĩ rằng, nếu thực hiện tốt chính sách, cho nâng tuổi nghỉ hưu nhưng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý chỉ chốt ở tuổi 60 – 65 thôi. Trường hợp đặc biệt thì cấp có thẩm quyền quyết định”, ông Lợi nói. Ông Lợi cho rằng, nên tách tuổi đời, tuổi nghề với tuổi nghỉ hưu. 

“Việc tính toán tăng tuổi nghỉ hưu phải đi theo con đường kéo dài thời gian công tác nhưng thôi giữ chức vụ lãnh đạo. Giám đốc, hiệu trưởng nếu có năng lực thì đến 60 tuổi có thể nghỉ làm lãnh đạo nhưng vẫn tiếp tục làm việc như chuyên gia và hưởng lương chuyên gia cao cấp. Như vậy Nhà nước sẽ tận dụng được lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, xóa được việc “tham quyền cố vị”, ông Lợi khẳng định.