Cơ sở nào để Bộ Tài chính đưa ra mức đề xuất thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu tối đa 8.000 đồng/lít, thưa ông?
Dự thảo mới để nghiên cứu và xin ý kiến các bộ ngành, địa phương, chuyên gia và người dân. Mức đề xuất đưa ra tính toán trên cơ sở nước ta thực hiện các cam kết hội nhập, thuế nhập khẩu xăng dầu giảm về 0-5%, khi đó chúng ta vẫn có những biện pháp khác để giá xăng dầu nước ta không thấp hơn các nước xung quanh. Trước đây, nước ta còn trợ giá xăng dầu, nên giá xăng dầu nước ta thấp hơn các nước xung quanh, dẫn tới tình trạng buôn lậu gia tăng, điều này cũng phải tính toán để ngăn chặn.
Có thể mình chưa tính toán hết được hằng năm nhà nước đầu tư cho sự nghiệp bảo vệ môi trường bao nhiêu, vì ngoài tiền ngân sách nhà nước đầu tư tối thiểu bằng 1% tổng chi ngân sách, chúng ta còn sử dụng các nguồn vốn khác (như vốn vay ODA, các quỹ khác). Thuế môi trường chỉ góp phần cho công tác bảo vệ môi trường, còn ngân sách chi cho sự nghiệp môi trường rất lớn, như đầu tư xử lý chất thải, xử lý ô nhiễm không khí, cải tạo sông…
Bộ Tài chính đánh giá mức độ tác động của việc tăng mức thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu thế nào?
Đây mới là đề xuất khung mức thuế tối thiểu – tối đa, chưa phải quyết định ngay sẽ tăng mức thuế nên chưa có đánh giá tác động. Khi nào có đề xuất mức thuế tăng, thậm chí giảm nếu tình hình kinh tế tốt mới nghiên cứu đánh giá tác động tới nền kinh tế, như tác động vào vận tải ra sao. Lần này là đưa ra khung để Quốc hội quyết định, không phải sẽ tăng theo những mức đó.
Biểu thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô từ 0 đến 150%. Tùy vào thời điểm, dòng xe ưu tiên hay không ưu tiên sẽ đưa ra mức thuế khác nhau. Như xe đặc dụng chỉ 5-10%, nhưng dòng xe sang lại lên tới 150%.
Thuế môi trường tăng lên để bù vào phần thuế nhập khẩu giảm đi, đảm bảo mức giá xăng dầu Việt Nam bằng các nước. Tăng thuế này và giảm thuế khác đi, nên giá xăng dầu vẫn được giữ ổn định, không phải tăng thuế sẽ tăng giá. Vì vậy, tùy vào tình hình thực tế, như giá xăng dầu thế giới ra sao, thuế nhập khẩu thế nào, sẽ có nghiên cứu để điều chỉnh mức thuế môi trường cho hợp lý. Hiện cũng chưa có lộ trình thay đổi thuế môi trường, khung thuế mới đưa ra để lấy ý kiến đóng góp, để trình Quốc hội quyết định, vì thay đổi luật phải theo chương trình kỳ họp của Quốc hội, không phải trình lúc nào cũng được.
Hiện Chính phủ đang triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng nay lại đề xuất tăng thuế với xăng dầu, như vậy có phù hợp với chủ trương đang thực hiện không?
Ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Chính sách Thuế, Bộ Tài chính.
Đề xuất đưa ra mới là khung để sau này điều chỉnh cụ thể còn không phải đưa ra khung đó là tăng ngay. Bộ Tài chính vẫn thực hiện đầy đủ các Nghị quyết của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, thông qua các chính sách ưu đãi về tài chính, tín dụng, thuế, phí…
Nếu được Quốc hội thông qua khung mức như vậy, sau này tùy tình hình thực tế sẽ tính toán để đưa ra mức thuế phù hợp, có thể tăng hoặc giảm. Còn hỗ trợ doanh nghiệp Bộ Tài chính sẽ có các chính sách khác để hỗ trợ, không hỗ trợ chung chung, phải hỗ trợ có mục tiêu, đúng đối tượng. Không phải cứ giảm thuế mới hỗ trợ được doanh nghiệp.
Nhưng rõ ràng, khi chi phí đầu vào giảm doanh nghiệp sẽ hoạt động tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho ngân sách?
Chính sách đưa ra phải đánh giá ở tổng thể, vì hiện nay trong nước cũng sản xuất được xăng dầu, phải tính toán để hỗ trợ sản xuất trong nước phát triển. Chúng ta đã hội nhập, liên thông với thị trường thế giới, nên không thể nói xăng dầu thế giới tăng nhưng chúng ta không tăng để hỗ trợ sản xuất trong nước, mà phải duy trì ở mức giá bằng thế giới. Đồng thời đảm bảo hài hòa giữa nhập khẩu xăng dầu và sản xuất trong nước, sức cạnh tranh của nền kinh tế cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô…
Cảm ơn ông.
Cần tăng tiền thu được từ thuế môi trường cho hoạt động BVMT
Trước đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít xăng, ông Hoàng Văn Thức, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, cần tăng tiền thu được từ thuế bảo vệ môi trường cho hoạt động bảo vệ môi trường hiện nay.
Theo thống kê, năm 2015, tổng thu từ thuế bảo vệ môi trường là 27.020 tỷ đồng nhưng tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường chỉ đạt 11.400 tỷ đồng, chiếm gần 42,2%. Năm 2016, tổng thu thuế bảo vệ môi trường là 42.393 tỷ đồng nhưng tổng chi ngân sách cho sự nghiệp môi trường chỉ đạt 12.290 tỷ đồng, chiếm gần 29%.
Nguyễn Hoài
Đề xuất gây phản cảm
TS Ngô Trí Long cho rằng, những lý do Bộ Tài chính đưa ra về đề xuất tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu đều chưa thuyết phục. Ông phân tích, thuế nhập khẩu xăng dầu đang tiếp tục lộ trình giảm là đúng (tới năm 2024 về 0%), nhưng không phải vì thế mà phải tăng thuế môi trường, mà do giảm thu ngân sách. Thực tế hiện giá xăng dầu nhập khẩu (chưa tính thuế) khoảng 9.500 đồng/lít, thuế môi trường bằng khoảng 31% giá nhập khẩu. Nếu tăng thuế môi trường lên kịch khung theo đề xuất là 8.000 đồng, sẽ gần bằng 100% giá xăng dầu nhập khẩu, nên gây phản cảm.
Về dư địa để tăng thuế môi trường trong luật hiện tại hẹp (chỉ còn 1.000 đồng với xăng, vì tối đa 4.000 đồng/lít). Nhưng Luật Môi trường có hiệu lực từ năm 2012, ban đầu thực hiện chỉ 1.000 đồng/lít, sau lên 3.000 đồng/lít. “Khi tăng lên 3.000 đồng/lít, Bộ Tài chính cũng khẳng định sẽ không tác động lên giá xăng dầu, nhưng sau đó vẫn làm tăng giá, nên lần này đưa ra cũng không thuyết phục. Thậm chí, tháng 2/2016, Bộ Tài chính cũng định đề xuất tăng thuế môi trường với xăng lên mức tối đa là 4.000 đồng/lít, sau bị phản đối nên phải rút lại”, ông Long nói.
Theo ông Long, trên thế giới không nhiều nước đánh thuế môi trường lên xăng dầu, nhưng Việt Nam lại quá nhiều. Hiện có ít nhất 4 loại thuế đánh lên giá xăng dầu (thuế nhập khẩu, VAT, tiêu thụ đặc biệt, môi trường), chiếm từ 42 đến 42% giá bán. Thậm chí, thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào hàng xa xỉ, độc hại để không khuyến khích tiêu dùng, nhưng xăng dầu là mặt hàng thiết yếu vẫn phải chịu thuế này.