Sáng 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) trình Quốc hội dự kiến chương trình giám sát năm 2024.
Tờ trình của của Ủy ban TVQH nêu rõ các căn cứ vào các tiêu chí theo thứ tự ưu tiên để lựa chọn là những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô hoặc ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế - xã hội, được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân quan tâm.
Trên cơ sở tổng hợp kết quả lựa chọn của thành viên Ủy ban TVQH trình Quốc hội 4 chuyên đề để xem xét, quyết định chọn 2 chuyên đề để giám sát tối cao, 2 chuyên đề còn lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức giám sát.
Cụ thể, chuyên đề giám sát thứ nhất là việc thực hiện Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan như: Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1…
Chuyên đề thứ hai là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Chuyên đề thứ ba là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Cuối cùng là giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023 và thời kỳ trước, sau có liên quan.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động giám sát, Ủy ban TVQH yêu cầu chuẩn bị công tác đánh giá sơ kết tình hình triển khai các nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch tài chính quốc gia và vay trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025… tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Chủ động theo dõi, đánh giá, bám sát tình hình để đề xuất tổ chức các phiên giải trình và các hoạt động giám sát khác phù hợp, nhằm tăng cường giám sát về kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp, lĩnh vực ngân hàng; xem xét, làm rõ trách nhiệm, biện pháp xử lý đối với những vấn đề cấp bách nổi lên trong thực tiễn.
Các đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tăng cường giám sát bảo đảm chất lượng, khả thi, hiệu quả, tránh hình thức, phù hợp với khả năng, nguồn lực, nhất là việc thực hiện các chính sách, pháp luật ở địa phương. Chủ động phối hợp với các đoàn giám sát của các cơ quan của Quốc hội, với Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân nhằm tránh chồng chéo.
Các đại biểu Quốc hội cần chủ động đổi mới hoạt động giám sát của mình theo hướng tăng cường tính độc lập, hạn chế phụ thuộc vào chương trình giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của Quốc hội mà mình là thành viên.