Ông Thể cho hay, đây là một trong những cuộc họp quan trọng nhất của Bộ GTVT chủ trì năm 2018. Việc mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất có nhiều ý kiến trái chiều nên Chính phủ, Bộ GTVT chọn tư vấn quốc tế ADP I của Pháp để có cái nhìn độc lập, không lệ thuộc vào tổ chức, cá nhân nào tại Việt Nam. Đây là cuộc họp cuối cùng trước khi Bộ GTVT báo cáo Chính phủ.
Báo cáo tại cuộc họp, tư vấn khẳng định các nghiên cứu khách quan, khoa học. Phương pháp được tư vấn đưa ra là dự báo lưu lượng cất hạ cánh, hành khách, hàng hóa để đưa ra các đề xuất nâng cấp, mở rộng. Cụ thể, theo tư vấn, năm 2020, TSN có 269.000 lượt cất hạ cánh (tương đương 44 triệu lượt khách, 701.000 tấn hàng hóa); năm 2025 có 301.000 lượt (51 triệu khách, 960.000 tấn hàng); năm 2030 là 315.000 lượt (55 triệu khách, 1,2 triệu tấn hàng).
Tư vấn Pháp cũng đưa ra những phân tích về thực trạng công suất TSN hiện nay (ở các khía cạnh: hệ thống đường cất hạ cánh, vùng trời, sân đỗ, nhà ga hành khách, giao thông tiếp cận). Các phân tích của tư vấn cho thấy, các yếu tố liên quan đến công suất bay tại TSN đều đang gặp nhiều hạn chế. Trong đó, tư vấn nêu quan điểm về vấn đề tranh cãi lâu nay: Hai đường cất hạ cánh hiện nay không đảm bảo cho hai tàu bay cất hạ cánh độc lập.
Với phương án công suất 50 triệu hành khách, tư vấn đề nghị không xây dựng mới đường băng mà giữ nguyên hai đường băng hiện tại, có cải tạo. ADP I cũng đưa ra hai phương án xây dựng thêm nhà ga ở phía Bắc và phía Nam. Tư vấn cho rằng, việc xây dựng phương án nhà ga ở phía Bắc (phần sân golf) sẽ tăng chi phí vận hành vì hai nhà ga tách rời, chi phí xây dựng, giải phóng mặt bằng lớn.
Từ đó, tư vấn đề xuất phương án ưu tiên là xây dựng nhà ga ở phía Nam (cạnh nhà ga hiện nay) để kết nối hai nhà ga, tận dụng hạ tầng, cơ sở vật chất chung. Ở phía Bắc, phần sân golf sẽ được giải phóng làm khu đỗ máy bay, ga hàng hóa, khu bảo dưỡng, sửa chữa máy bay.
Phương án này cũng đặt ra một số nội dung về cải tạo đường cất hạ cánh hiện nay, kết nối giao thông bên ngoài, hệ thống thoát nước...