UBND Thành phố Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị bộ này tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải tỏa trạm thu phí Bắc Thăng Long – Nội Bài, đầu tư thiết bị thu giá tự động không dừng tại các trạm soát vé trên địa bàn và rà soát mức giá dịch vụ tại các dự án BOT.
Hiện nay trên địa bàn Thành phố có 4 trạm thu giá trên các tuyến đường được đầu tư xây dựng theo hình thức BOT do Bộ GTVT quản lý. Đó là Trạm Pháp Vân – Cầu Giẽ trên địa bàn huyện Thanh Trì; Trạm cao tốc Hà Nội – Lào Cai trên địa bàn huyện Sóc Sơn; Trạm Hà Nội – Bắc Giang trên địa bàn huyện Gia Lâm; Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài trên đường Võ Văn Kiệt thuộc địa bàn huyện Sóc Sơn.
Như vậy, Trạm Bắc Thăng Long – Nội Bài không phải là trạm thu giá dịch vụ hoàn vốn của đường Võ Văn Kiệt, mà là hoàn vốn cho dự án BOT đường tránh Thành phố Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc). Vì thế, người dân không sử dụng tuyến đường tránh Thành phố Vĩnh Yên (đặc biệt là khách du lịch, hành khách đi sân bay Nội Bài, nhân dân huyện Sóc Sơn) vẫn phải nộp tiền thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ là không đúng, khiến cử tri Hà Nội bức xúc và đã có ý kiến.
Về mức giá sử dụng đường bộ tại các dự án BOT, đa số người dân và doanh nghiệp đều phản ánh mức giá hiện nay cao, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, nhất là với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường bộ. Bên cạnh đó, các trạm thu phí hiện đang thu trực tiếp bằng tiền mặt, dẫn đến ùn tắc khi qua trạm, gây bức xúc cho người tham gia giao thông, đồng thời dễ dẫn đến thất thoát, thiếu minh bạch, khó kiểm soát, quản lý.
Với những nội dung trên, UBND Thành phố Hà Nội đề nghị Bộ GTVT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét; Với các trạm soát vé trên địa bàn Thành phố Hà Nội nằm tại các trục đường giao thông đầu mối quan trọng, cần sớm đầu tư thiết bị để chuyển sang thu giá dịch vụ sử dụng dịch vụ đường bộ tự động không dừng để tăng cường khả năng lưu thông, khắc phục ùn tắc và nâng cao hiệu quả quản lý.
Công văn trên cũng đề nghị Bộ GTVT rà soát mức giá dịch vụ trên các dự án BOT để đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người sử dụng dịch vụ.