Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh (UBQPAN) Lê Tấn Tới cho biết, có ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục tăng cường nguồn lực trong công tác PCCC và CNCH, quan tâm hơn nữa về chính sách cho đội ngũ, lực lượng trực tiếp làm công tác PCCC và CNCH; đề nghị quy định Nhà nước bố trí nguồn ngân sách riêng cho việc mua sắm, bảo dưỡng trang thiết bị PCCC hàng năm.
Tiếp thu ý kiến, ông Tới cho biết, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với cơ quan soạn thảo chỉnh lý quy định chi cho các nhiệm vụ đầu tư, xây dựng, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống, phương tiện PCCC và CNCH; đồng thời bổ sung chế độ, chính sách cho sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH trực tiếp thực hiện các hoạt động chữa cháy, CNCH và giao Chính phủ quy định chi tiết.
Tại phiên họp, ĐBQH Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) đề nghị, ngoài yêu cầu lực lượng PCCC phải bám sát địa bàn, cần bổ sung thêm về trang thiết bị phương tiện, vì nếu có lực lượng mà không có phương tiện sẽ rất khó khăn trong thực hiện PCCC tại cơ sở.
Theo bà Ngọc, thực tiễn, PCCC tại cơ sở còn gặp nhiều khó khăn, xe chuyên dụng di chuyển ở xa, khi đến đã cháy xong. Mặt khác, thiết bị chuyên dùng còn hạn chế, lạc hậu, kém chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu. Do vậy, cần phải đầu tư phương tiện PCCC ở cấp huyện, nếu được đầu tư cho cả cấp xã với phương tiện thiết yếu.
Nữ ĐB đoàn Hòa Bình cũng đề nghị quan tâm, đầu tư năng lực nghiệp vụ và phải có sự ưu tiên đầu tư thỏa đáng, kể cả đầu tư máy bay phục vụ cho PCCC và cứu nạn cứu hộ.
Cửa thoát hiểm biến thành nơi bán hàng
Đối với loại hình nhà cao tầng và công trình, theo bà Ngọc, có hàng trăm tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC, trong đó, có quy chuẩn vừa ban hành đã sửa đổi ban hành mới, gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện. Chưa kể, một số quy định còn thiếu thực tế, không khả thi, điều này cần quan tâm, tránh gây khó khăn khi triển khai thực hiện.
Cùng mối quan tâm, ĐBQH Tô Ái Vang (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguy cơ cháy và khó khăn cho PCCC tại các chung cư cao tầng. Trong đó, nhiều tòa nhà không tuân thủ quy định về lối thoát hiểm, cửa thoát hiểm bị biến thành nơi bán hàng; chung cư treo bảng quảng cáo, bịt kín ban công, làm gia tăng nguy cơ cháy nổ…
Từ thực tế trên, ĐB Vang kiến nghị Chính phủ sớm điều chỉnh quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng đô thị, tăng cường phát huy công nghệ hiện đại, giải quyết bất lợi trong thoát nạn. Đồng thời cần có chính sách trợ giá, khuyến khích phát minh thêm nhiều tính năng robot điều khiển từ xa trong PCCC cứu hộ cứu nạn.
Cùng với đó, bà Vang cũng đề nghị tăng cường chế tài với công trình vi phạm, đặc biệt vi phạm trong quy hoạch, xây dựng, nghiệm thu công trình.
Không nên quy định trang thiết bị PCCC với ô tô riêng
Trong khi đó, ĐBQH Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) quan tâm đến quy định trang thiết bị PCCC đối với phương tiện tham gia giao thông. Theo ông, đối với xe ô tô từ 9 chỗ trở lên, cần quy định trên xe phải trang bị phương tiện PCCC, không quy định chung chung, khó thực hiện.
Tuy nhiên, đối với xe 9 chỗ trở xuống, thường là phương tiện của gia đình, không phải xe chở khách, loại xe này có quy định hay không cũng phải rành mạch, rõ ràng.
Ông Hòa cho rằng, với xe cá nhân, có bình chữa cháy cũng nguy hiểm, vì có thể gây nổ khi xe lưu thông. Vì thế cần hết sức cân nhắc, không quy định trang bị thiết bị PCCC đối với ô tô cá nhân.
Tương tự, đối với quy định cơ sở thành lập lực lượng PCCC, theo ông Hòa, quy định này đúng nhưng phải quy định rõ, cơ sở nào thành lập, cơ sở nào không? “Doanh nghiệp đã vậy nhưng với cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ mà đòi thành lập cả lực lượng PCCC thì người đâu mà làm”, ông nói.
Tiếp thu ý kiến ĐBQH, ông Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực UBQPAN đã phối hợp với cơ quan soạn thảo nghiên cứu tách nội dung này thành 2 điều, gồm: Điều 18 về phòng cháy đối với nhà ở và Điều 19 về phòng cháy đối với nhà ở kết hợp kinh doanh; đồng thời, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.