TS Văn Thiên Hào, Trưởng ngành Tài chính quốc tế, Khoa Tài chính Thương mại, Trường ĐH Công nghệ TPHCM: Cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công
Kết quả tăng trưởng quý I/2023 của TPHCM đã được dự liệu từ trước nên không có gì đáng ngại. Để thúc đẩy tăng trưởng năm nay, TPHCM cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công nhằm khơi thông nguồn vốn, tạo động lực cho sự phát triển cho nền kinh tế, làm bàn đạp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế vừa kích thích tiêu dùng, vừa kích thích đầu tư. Dự báo quý II và III/2023 sẽ tăng mạnh đầu tư công, vì giai đoạn quý I là giai đoạn chuẩn bị cho các dự án đầu tư công.
Tuy nhiên, việc TPHCM giải ngân 70.000 tỷ đồng trong 3 quý còn lại của 2023 sẽ là một áp lực rất lớn đến việc kiềm chế lạm phát. Vì vậy, bên cạnh việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, TPHCM cần có chính sách kiểm soát lạm phát và điều hành vĩ mô, không chỉ tập trung vào chính sách tiền tệ, mà phải thực hiện đồng thời cả chính sách tài khóa. Trong đó, chính sách tài khóa phải đóng vai trò quan trọng và quyết định, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp, người dân giảm bớt áp lực chi phí đầu vào, góp phần giảm giá đầu ra, kiểm soát tốt lạm phát, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ điều hành tín dụng, lãi suất hợp lý, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua giải ngân vốn đầu tư công.
Riêng chính sách tiền tệ phải linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, tập trung giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay; bảo đảm thanh khoản của hệ thống ngân hàng, nền kinh tế; giữ ổn định mặt bằng tỷ giá phù hợp; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác.
Các ngân hàng thương mại đã bắt đầu giảm lãi suất nhằm giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn hơn, khơi thông nguồn vốn tạo đà cho tăng trưởng kinh tế.
Tính riêng địa bàn TPHCM, đến nay Ngân hàng Nhà nước và hệ thống các ngân hàng đã giải ngân cho vay hỗ trợ lãi suất hơn 14.000 tỷ đồng, hỗ trợ doanh nghiệp trong các ngành như công nghiệp chế biến, hàng không, kho bãi, nông lâm thủy sản…
Ông Phạm Quang Anh, Giám đốc Công ty May mặc Dony: Cần kết nối và chia sẻ
Như những doanh nghiệp dệt may khác, Công ty May mặc Dony cũng gặp khó về đơn hàng. Từ cuối năm 2022 và đầu năm 2023, chúng tôi không có đơn hàng xuất khẩu hoặc có nhưng không thương thảo được bởi giá đối tác đưa ra rất thấp, không đảm bảo chi phí sản xuất.
Để duy trì việc làm cho lao động, Dony chủ động mở rộng thêm các thị trường xuất khẩu mới, đồng thời tổ chức sản xuất các đơn hàng giá rẻ xuất khẩu, thay vì những đơn hàng may mặc cao cấp như trước đây. Đây chính là lý do giúp đơn vị cầm cự sản xuất trong khó khăn và không phải cắt giảm lao động.
Đích thân lãnh đạo công ty sang Mỹ, Trung Đông để tìm kiếm khách hàng. Chúng tôi đã đưa ra mức giá thấp hơn trước đây, các nhà nhập khẩu sẵn sàng đặt hàng với số lượng lớn và nhận hàng trong một hoặc hai năm. Một số đã đồng ý tăng số lượng đặt hàng lên 300%.
Công ty cũng giữ thị trường truyền thống là sản xuất đồng phục, mở rộng thêm bộ phận thiết kế, làm hàng mẫu để giới thiệu cho khách thay vì bị động chờ hàng về gia công. Nhờ đó, nhà máy Dony vẫn sáng đèn, công nhân có việc làm, ổn định cuộc sống.
Sang tận nơi để gặp khách hàng, thấy được nơi làm việc của họ, từ đó mình biết họ cần gì để có phương án hỗ trợ tốt hơn. Sự gặp gỡ, kết nối này gia tăng thêm mối quan hệ thân thiết và chân tình với đối tác cũng là một cách để giữ được ưu tiên đơn hàng khi suy thoái chung. Khi gặp gỡ nhiều đối tác, tôi thấy rằng chuỗi cung ứng trong nước đang có vấn đề nên việc lấy thật nhiều đơn hàng luôn khó khăn.
Theo tôi, giải pháp trước mắt và lâu dài cho may mặc xuất khẩu là ngành may mặc Việt Nam phải có một chuỗi cung ứng chia sẻ, từ khâu vải, kim chỉ, nút, khuy áo, đến may, công nhân, gia công… Đồng thời, mỗi khâu kinh doanh, sản xuất trong chuỗi có thể cắt giảm phần lợi nhuận, thù lao để lấy được những đơn hàng lớn hơn, lâu dài hơn. Có như vậy, chúng ta mới có thể từng bước vực dậy ngành dệt may.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Nên khai thác các thị trường mới
Tốc độ tăng trưởng cả nước quý I năm nay đạt 3,32% và nhiều địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thấp là do dư âm từ những khó khăn trước đây.
Do đó, TPHCM nên tìm đến động lực tăng trưởng từ khối sản xuất, với xương sống là các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn. TPHCM cũng cần phải chú ý phát triển thị trường, đặc biệt là thị trường nội địa để thúc đẩy nền kinh tế quay lại đà phát triển.
Cần có các chương trình, chiến dịch kích cầu tiêu dùng nội địa. Thay vì tập trung thị trường truyền thống, doanh nghiệp nên khai thác các thị trường mới, thị trường ngách để có đơn hàng sản xuất mới. Đặc biệt là cần khai thác những thị trường mà Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực để tận dụng ưu đãi về thuế quan.
Ngoài ra, TPHCM cần nỗ lực phục hồi thị trường bất động sản và tài chính, đặc biệt là hoạt động của các ngân hàng và xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. Dĩ nhiên, muốn phục hồi những thị trường này cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ từ phía Trung ương. Nếu Chính phủ có những chính sách hiệu quả, TPHCM sẽ là nơi được hưởng lợi đầu tiên.
GRDP của TPHCM trong quý I/2023 ước đạt 360.000 tỷ đồng, tăng 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp nhất trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương. Có đến 4/9 ngành dịch vụ trọng yếu có mức tăng trưởng âm, gồm vận tải kho bãi, thông tin và truyền thông, kinh doanh bất động sản, y tế và hoạt động cứu trợ xã hội.
DUY QUANG