Để xảy ra dự cố dầu tràn: Phạt hành chính hay hình sự?

TPO - Sự cố tràn dầu đôi khi là sự cố không mong muốn. Tuy nhiên, nếu đó là tai nạn của một doanh nghiệp, đơn vị nhưng lại ảnh hưởng rất xấu đến môi trường thì chúng ta có thể xử lý hình sự không? Liệu chúng ta có chế tài đủ mạnh chưa?
Dầu loang trong vụ tàu Thái Lan chìm trên biển Hà Tĩnh
 

Ông Lê Đại Thắng, Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát tài nguyên và Bảo vệ môi trường biển, hải đảo thuộc Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam:

Về việc thực hiện các quy định pháp luật tại các cơ sở có khả năng xảy ra sự cố tràn dầu, các cơ sở đều xây dựng kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu của tỉnh mình. Từ Trung ương đến địa phương đều có hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động bảo vệ môi trường, trong đó có cả về nguy cơ sự cố tràn dầu, bao gồm các yếu tố như đối tượng, thời gian và nôi dung thanh, kiểm tra.

Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt sau đó chuyển về các cơ quan, ban ngành triển khai. Địa phương tiến hành thanh tra, kiểm tra các tổ chức, công ty xem có nắm rõ các văn bản, quy định không; nếu đã nắm rõ thì thực tế triển khai như thế nào, có diễn tập, tập huấn thường xuyên không?

Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra chưa được thường xuyên. Nhưng mảng này cũng đang được triển khai, đẩy mạnh. Về xử phạt, xử lý hình sự, tùy thuộc vào trường hợp, vụ việc cụ thể mà có các cách xử phạt riêng. Cơ quan chức năng mất nhiều thời gian để điều tra, đánh giá cụ thể xem cố tình hay vô tình và các yếu tố liên quan.

Chính phủ đã giao cho Bộ Tài Nguyên và Môi trường, và Bộ đã giao cho Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam lấy ý kiến về dự thảo nghị định liên quan đến vấn đề ứng phó sự cố tràn dầu. Tổng cục tiến hành tham vấn nhiều bộ ngành địa phương, tổ chức, đưa vào các hình thức xử phạt trong dự thảo nghị định này.

Mới đây, Hội đồng của Bộ Tư pháp bắt đầu tiến hành thẩm định nội dung dự thảo nghị định này trước khi trình lên Chính phủ. Hy vọng dự thảo sớm được thông qua, và chúng ta có thêm khung pháp lý hỗ trợ tốt nhất cho công tác ứng phó sự cố tràn dầu.

 

Ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam:

Trước kia vi phạm về môi trường chỉ bị phạt hành chính nhưng từ ngày 1/1/2018, tại Khoản 1, Điều 237, Bộ Luật Hình sự đã có quy định cụ thể về việc xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

 

Ông Phạm Hữu Tình - Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh trả lời:

Chúng ta đã có dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Trong nghị định 33 có quy định xử phạt đến những sự cố ảnh hưởng đến môi trường thì sẽ bị xử phạt rất nặng.

Tuy nhiên, trong năm 2019, kinh phí hạn hẹp, điều rất khó con người ít (chi cục chúng tôi quản lý tài nguyên khí hậu, biện đảo, tài nguyên, bảo vệ môi trường mà chỉ có 7 con người).

Nhiều đoàn đi kiểm tra không được như mong muốn nên lãnh đạo Tỉnh yêu cầu đoàn kiểm tra phải là đa ngành. Mặt khác, kiểm tra về môi trường thì quá nhiều lĩnh vực mà sự cố này thì sự cố tràn dầu chỉ là một phần nhỏ.

Truyền thông cần đúng, trúng

Đại tá Nguyễn Sơn Định, Trưởng phòng ứng phó sự cố tràn dầu, Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn trả lời:  Vấn đề đặt ra là nâng cao truyền thông để ứng phó sự cố tràn dầu trên biển là vấn đề rất khó. Chúng tôi là đưa ra 12 tình huống ứng phó chứ không phải chỉ riêng tình huống tràn dầu trên biển.

Năm nào ủy ban cũng đi kiểm tra không chỉ riêng sự cố tràn dầu mà về 12 tình huống để làm sao ứng phó tràn dầu trên biển thật hiệu quả. 

Làm sao để mọi người đều biết, đều hiểu về công việc này thì công tác tuyên truyền xem ra mới hiệu quả. Điều quan trọng nhất là sự phối kết hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, doanh nghiệp cũng như người dân. Làm sao cuối cùng đạt mục đích là giảm thiểu những vụ sự cố tràn dầu trên biển.

Ông Phạm Văn Sơn, Tổng Thư ký Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam: Chúng tôi thấy truyền thông có vai trò cực kì quan trong trong việc tuyên tuyền nâng cao nhận thức cộng đồng trong phòng ngừa ứng phó sự cố tràn dầu nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung, đặc biệt là vai trò của các cơ quan truyền thông trong thời gian vừa qua khi hàng loạt các sự cố môi trường xảy ra liên tiếp.

Ông Phạm Hữu Tình - Chi cục trưởng Chi cục Biển, Hải đảo và Tài nguyên nước tỉnh Hà Tĩnh: Kiến nghị về công tác truyền thông đối với những người trực tiếp ở địa phương: Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới truyền thông góp phần cùng các cơ quan giải trí nhà nước để tuyên truyền rõ ràng, chính xác về công tác ứng phó sự cố tràn dầu.

Cụ thể, chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí chính thống nên sát cánh trong các cuộc họp, quá trình làm việc tại hiện trường sự cố, từ đó nắm rõ tình hình và cung cấp thông tin kịp thời, đúng, đầy đủ. Bên cạnh đó, từ trước đến nay chỉ cơ quan quản lý nhà nước tổ chức các hội thảo về sự cố tràn dầu, trong khi đó nhiều cơ quan, ban ngành chức năng khác vốn là nhiệm vụ nhưng đến khi đưa luật ra mới biết.

Chúng tôi hy vọng, Bộ Giao thông, Cục Hàng hải… chủ động phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước. Tôi mong muốn các cơ quan báo chí như Tiền Phong có tiếng nói, phản ánh để trên quan tâm đến việc ban hành chính sách rõ ràng, nên có quỹ dự phòng để kịp thời sử dụng kinh phí nếu có sự cố, đồng thời trang bị đầy đủ trang thiết bị đầy đủ cho địa phương. Về phía tỉnh Hà Tĩnh, chúng tôi sẽ cộng tác, phối hợp chặt chẽ với báo chí trong công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường, ứng phó sự cố tràn dầu.

Hàng năm lượng dầu trôi dạt vào bờ biển của nước ta diễn ra thường xuyên và với khối lượng lớn, điển hình là năm 2006 - 2007 dầu dạt vào bờ biển của 20 tỉnh ven biển với khối lượng thu gom được là trên 1700 tấn dầu, nhưng đến nay, vẫn không xác định được nguyên nhân gây ra sự cố để làm cơ sở truy cứu trách nhiệm bồi thường thiệt hại môi trường biển của nước ta.