Trong kí ức tuổi thơ của mỗi người Việt Nam khi chơi trò dung dăng dung dẻ thường thuộc lòng bài đồng dao quen thuộc: “Dung dăng dung dẻ/Dắt trẻ đi chơi/Đến cửa nhà trời/Lạy cậu lạy mợ/Cho cháu về quê/Cho dê đi học/Cho cóc ở nhà/Cho gà bới bếp/Ngồi xệp xuống đây”.
Tiếp cận kho tàng thành ngữ tục ngữ, chúng ta nhận thấy hình ảnh con dê cũng có nhiều biểu trưng phong phú. Khi muốn phê phán bọn buôn gian bán lận người ta nói Treo đầu dê bán thịt chó, muốn đánh giá việc diễn đạt lan man, huyên thuyên những chuyện lặt vặt, vớ vẩn người ta dùng thành ngữ “Cà kê dê ngỗng”, “Máu bò cũng như tiết dê” lại nhằm nhìn nhận hai chuyện, hai sự việc, sự vật chẳng khác gì nhau mấy về mọi phương diện.
Hơn thế nữa để mỉa mai cách thức làm ăn không biết tính toán hoặc việc bỏ vật hữu ích để lấy thứ chẳng ra gì của một số người, dân gian đã thâm thúy: “Buồn ngủ buồn nghê?/ Bán bò tậu ruộng, mua dê về cày/ Đồn rằng, dê đực khỏe thay,/ Bắt ách lên cày, nó lại phá ngang”.
Dê là loài vật được thuần dưỡng từ sớm, có thể giết thịt để chế biến thành nhiều món ăn ngon. Cũng vì lẽ này mà “dê béo”, một trong ba điều thú vị đã đi vào câu tục ngữ sau: “Thế gian, ba sự khôn chưa/ Rượu nồng, dê béo, gái vừa đương tơ”. Phải chăng cũng chính vì điều này mà dê có mặt trong lễ vật của đám cưới xưa: “Cưới em tám vạn trâu bò/ Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm”.
Sách Lĩnh Nam chích quái, ở chương đầu tiên, về họ Hồng Bàng, đã kể lại rằng từ thời xa xưa, người Việt trong hôn nhân, đã biết giết trâu, dê làm đồ lễ, con dê đã được nuôi làm gia súc và sử dụng vào việc tế lễ.
Vào thời nhà Nguyễn, con dê được sử dụng trong việc tế lễ: “Dê vốn thật thuộc loài tế lễ/ ... Để hòng khi tế thánh tế thần...”; và “Hễ có việc lấy dê làm trước/Dê dâng vào người mới lạy sau”. (Lục súc tranh công).
Theo Ðại Nam thực lục Chính Biên, dưới triều đại vua Minh Mạng, mùa Ðông năm Minh Mạng (1836) thứ 17, nhà vua sai mua 220 dê đực và 100 dê cái, chọn 20 con dê đực giao Tể sinh làm lễ vật tế lễ Nam Giao, đặt tại đàn Thượng có thịt dê ướp dương hải.
Phải chăng cũng vì điều này mà chúng ta có thành ngữ “kêu như dê tế thần”?
Dê đực tượng trưng cho mãnh lực và nhu cầu tính dục bởi do tập tính nên một chàng dê có thể phục vụ cho cả đàn dê cái mà không mấy vất vả. Trong các xã hội xưa, đạo đức và tôn giáo tìm mọi cách để “khắc kỉ”, thì với sinh lực “phong phú” của chàng dê như thế rất dễ bị chê bai, phê phán. Những từ ngữ không mấy hay ho cũng vì thế mà xuất hiện: Dê xồm, dê gái, dê cụ...
- Ông già ông đội nón cồi/ Ông dê con gái, ông Trời đánh ông.
- Dê xồm ăn trái khổ qua/ Ăn nhằm đậu đũa, chết cha dê xồm!
- Bươm bướm mà đậu cành bông/Ðã dê con chị, lại bồng con em
(Ca dao)
Trong tác phẩm nổi tiếng Lục Vân Tiên, Nguyễn Đình Chiểu đã xây dựng nhân vật có sức sống lâu bền, đi vào đời sống trong đó có nhân vật Bùi Kiệm. Để cực tả bản chất của nhân vật này, tác giả viết: Con người Bùi Kiệm máu dê/Ngồi trơ bộ mặt, như dề thịt trâu.
“Bùi Kiệm máu dê” là cách nói đặc sắc làm bật nổi bản chất dâm ô của nhân vật này bởi họ Bùi đã từng ép Kiều Nguyệt Nga lấy hắn làm vợ khi nàng đang lâm nạn phải ở nhờ nhà hắn.
Trong văn chương trung đại, từ thế kỉ 13, với áng văn chính luận nổi tiếng Dụ chư tỳ tướng hịch văn, Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã trải lòng ái quốc và niềm căm thù giặc mãnh liệt qua những lời thống thiết: “Huống chi ta cùng các ngươi sinh ở đời nhiễu nhương, gặp phải buổi gian nan này, trông thấy những ngụy sứ đi lại rầm rập ngoài đường, uốn lưỡi cú diều mà xỉ mắng triều đình, đem thân dê chó mà bắt nạt tổ phụ…”.
Trần Quốc Tuấn đã xem giặc như cú diều, như dê chó. Đó là chẳng phải niềm căm phẫn tột độ trước thái độ ngạo mạn hống hách của bọn ngụy sứ Mông - Nguyên? Thời hiện đại, nhân dân ta cũng xem thực dân là loài dê chó trong Bài ca cách mạng
Này anh chị em lao khổ
Nông nỗi này ai tỏ chăng ai
Đã non tám chục năm rồi
Làm thân trâu ngựa cho loài chó dê.
Trong Hồng Đức Quốc Âm thi tập, còn có hình ảnh con dê độc lập, đi thẳng từ thiên nhiên vào thi ca mà không cần phải qua một điển cố nào của văn chương Trung Hoa: Ong già buông nọc châm hoa rữa/
Dê yếu văng sừng húc dậu thưa (Tương phùng). Đọc đến đây chúng ta thấy thú vị bởi mấy trăm năm sau, tương truyền nữ sĩ Hồ Xuân Hương đã dạy dỗ bọn dốt nát bằng những vần thơ sâu cay, mà hai câu thơ cuối bài biến thể của hai câu thơ trên: Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ/Lại đây cho chị dạy làm thơ/Ong non ngứa nọc châm hoa rữa/Dê cỏn buồn sừng húc dậu thưa.
Con dê vốn tính hiền lành dễ thương, không hiểu sao người đời lại thành kiến phải chăng vì trời phú cho những anh chàng dê có sức lực phi thường trong chuyện ái ân? Thật oan uổng cho loài dê! Nhân năm Dê nói chuyện Dê trong văn chương cũng nhằm nhìn nhận lại vai trò quan trọng của loài vật này trong đời sống, trong văn hóa của người Việt.
Từ chuyện Dê ngẫm lại chuyện người mà tự chiêm nghiệm lại, lắng đục gìn trong.