'Đệ nhất cam' Hà Tĩnh vào vụ thu hoạch, dân ém hàng chờ Tết
TPO - Chỉ còn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, những ngày này người dân trồng cam Khe Mây ở huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đang tất bật vào vụ thu hoạch. Cam năm nay được giá, nên người dân đang “ém hàng” chờ Tết bán để tăng thêm thu nhập.
Cam Khe Mây, loài quả đặc sản nổi tiếng được trồng trên các rừng đồi xã Hương Đô ở huyện miền núi Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Bắt đầu từ tháng 9 Âm lịch, nông dân Hương Đô vào vụ thu hoạch cam Khe Mây.
Dịp này, con đường vào vùng trồng cam Khe Mây tấp nập các chuyến hàng chở cam từ đồi núi di chuyển ra bên ngoài của tiểu thương. Người dân thường dùng các thùng nhựa để đựng cam và chở về các khu chợ để bán.
Năm nay thời tiết tuy không thuận lợi, nhiều gia đình bị rụng quả đến 50%, nhưng cam được giá nên nông dân cũng phấn khởi.
Vào vụ thu hoạch là lúc cả khu đồi chuyển sắc vàng cam chín.
Gia đình anh Lê Văn Phương (SN 1983, trú tại thôn 2, xã Hương Đô) trồng 1.000 gốc cam ở đồi Khe Mây, trong đó chủ yếu cam chanh. Năm nay gia đình anh Phương ước lượng thu từ 14-15 tấn quả, giá bán tại vườn từ 45-60 ngàn đồng/kg.
“Cam được thương lái thu mua tại vườn, ngoài ra có nhiều khách quen, đặt hàng gửi ra Hà Nội, Đà Nẵng. Cam Khe Mây có thương hiệu từ lâu nên cam rất dễ bán, có vị ngọt đậm, mọng nước. Như năm ngoái gia đình thu về 500 triệu đồng từ mùa thu hoạch cam. Hiện tại dù mới đầu mùa nhưng đã bán được khoảng 2 tấn cam”, anh Phương nói.
Theo anh Phương, cam hiện nay đã thu hoạch nhưng anh vẫn “ém hàng” để chờ Tết bán. Những quả cam chín đậm, quả to anh Phương sẽ thu hoạch bán trước. Những gốc cam này anh Phương trồng được trên 6 năm.
Người dân trồng cam sử dụng túi để bọc từng quả để tránh sâu, bướm phá hoại. Cách làm này vừa giảm được chi phí đầu tư lại mang hiệu quả cao khi cam đạt chất lượng cũng như mẫu mã đẹp. Trong ảnh: Cam được trồng xen kẽ giữa cây dó trầm để mục đích làm mới đất.
Theo người dân, cam được trồng từ 4-5 năm mới cho quả. Thống kê toàn xã Hương Đô hiện có trên 300 hộ trồng cam. Trong đó nhiều hộ có diện tích lên đến gần 100 ha, cho thu nhập khoảng 4-5 tỷ đồng/năm.
Một số gốc cam bù có hiện tượng rụng quả trước mùa thu hoạch.
Ngoài cam chanh, cam bù, người dân còn trồng thêm cây tắt để bán quả. Đây là thứ quả được nhiều người săn lùng hỏi mua, giá bán từ 20-25 ngàn đồng/kg.