Đề nghị Quốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp tới

TP - Ngày 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thống nhất đề nghị Quốc hội tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 (kỳ họp thứ 7, tháng 5 tới), để bổ sung, sửa đổi nghị quyết về vấn đề này.
Các đại biểu bỏ phiếu tín nhiệm tại Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ Sáu. Ảnh: hồng vĩnh

Kênh đánh giá cán bộ

Báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn, do Trưởng Ban công tác đại biểu Nguyễn Thị Nương trình bày chỉ ra những hạn chế, vướng mắc của công tác này. 

Cụ thể: Văn bản hướng dẫn thực hiện NQ35 của UBTVQH còn một số điểm chưa thật rõ ràng, chưa lường hết được các tình huống trong thực tiễn như việc tính mốc thời gian để người được lấy phiếu làm báo cáo tự đánh giá; người được lấy phiếu đã bị khởi tố, điều tra, hoặc đang bị tạm đình chỉ công tác; người được lấy phiếu giữ chức vụ mới được HĐND bầu, hoặc người được lấy phiếu giữ nhiều chức vụ do HĐND bầu. 

Thứ hai, vẫn còn một số địa phương chưa nghiên cứu kỹ các văn bản, công tác chuẩn bị chưa chu đáo nên việc tổ chức lấy phiếu còn lúng túng, cá biệt có tỉnh còn tổ chức kỳ họp HĐND bất thường để thực hiện việc lấy phiếu như Kiên Giang. Thứ ba, một số vấn đề đã được quy định rõ nhưng địa phương vẫn chưa chủ động nghiên cứu để thực hiện và hướng dẫn cấp dưới kịp thời làm cho HĐND cấp huyện, cấp xã gặp lúng túng phải lùi thời gian họp lấy phiếu tín nhiệm.

Ban Công tác đại biểu đề xuất UBTVQH nghiên cứu, sửa đổi một số nội dung của Nghị quyết 35 của Quốc hội. Trong khi chờ sửa nghị quyết, đề nghị tạm dừng lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với người giữ chức danh do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Nhấn mạnh ý nghĩa, tác dụng của việc lấy phiếu vừa qua, một số ủy viên UBTVQH đánh giá đây là việc quan trọng, cần thiết và việc lấy phiếu đã có kết quả tốt. Theo Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, “lấy phiếu là kênh đánh giá cán bộ. Tuy nhiên, kênh này cũng có hạn chế là chỉ đánh giá được một bộ phận rất quan trọng, chứ chưa phải là tất cả”. 

Trước đề xuất tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp QH tới đây, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm VPQH lưu ý “cần đánh giá việc lấy phiếu vừa qua để rút kinh nghiệm khi sửa Nghị quyết 35, nếu chỉ nói tạm dừng sẽ gây khó hiểu”.

Xin ý kiến Quốc hội

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm thực hiện theo Nghị quyết 35 vừa qua có kết quả tốt, được nhân dân đồng tình. Ngay sau khi hoàn thành việc lấy phiếu, Quốc hội đánh giá việc lấy phiếu được các ĐBQH thực hiện công khai, công tâm, nghiêm túc, minh bạch, kết quả phản ánh đúng tình hình của đất nước. 

Đây là dịp để người có số phiếu tín nhiệm cao tiếp tục phấn đấu, hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ của mình. Những người đứng mũi chịu sào, phụ trách lĩnh vực quan trọng, tác động trực tiếp đối với đời sống nhân dân, có số phiếu tín nhiệm chưa cao. 

Đây cũng là lời nhắc nhở của ĐB, cử tri để người được lấy phiếu làm tốt hơn chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện lần đầu có những góp ý về phương thức, cách làm, cần rút kinh nghiệm, tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết để phù hợp hơn.

“UBTVQH đồng ý nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số điều của Nghị quyết 35 cho thuận với thực tiễn, để trình ra Quốc hội quyết định. Trong khi sửa nghị quyết này, Kỳ họp thứ 7 khóa XIII vào tháng 5/2014 sẽ tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm. Còn kỳ họp sau, thực hiện việc lấy phiếu thế nào, Quốc hội dựa trên kết quả của việc sửa Nghị quyết 35” - Chủ tịch Quốc hội chốt lại.

Sau khi phân tích, UBTVQH thống nhất, việc sửa Nghị quyết 35 sẽ giao cho Ban công tác đại biểu dự thảo nghị quyết sửa đổi, trình UBTVQH xem xét. UBTVQH sẽ báo cáo, trình Quốc hội quyết định tại kỳ họp tới.

Phải minh bạch đầu tư công

Ngày 21/2, thảo luận về dự án Luật Đầu tư công, các ủy viên UBTVQH nhất trí với quy định về phạm vi điều chỉnh của Luật và nhấn mạnh cần quy định minh bạch trong đầu tư công.

Các ủy viên UBTVQH lưu ý, đầu tư công là lĩnh vực hết sức quan trọng, do vậy luật cần quy định chặt chẽ, đảm bảo đầu tư công minh bạch, công khai. ”Dự thảo luật cần xác định, chỉ rõ các nguồn đầu tư công bao gồm những gì, cần rà lại các khái niệm về đầu tư công để quy định cụ thể hơn” – Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển kiến nghị. Cũng taheo ông Hiển, chủ trương đầu tư, thẩm quyền đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng, Chính phủ phải quy định rõ trong luật; đặc biệt, cần khẳng định Chính phủ có vai trò ra sao trong việc quyết định các dự án đầu tư công, trên tinh thần quy định của Hiến pháp sửa đổi.

 N.Tuấn