Để có một kế hoạch học tập khoa học, cần phân tích tình hình học tập của bản thân, biết năng lực học tập của mình tới đâu, từ đó đưa ra kế hoạch học tập hợp lý nhất. Khi biết rõ thực lực mới xác định mục tiêu học tập để đảm bảo vừa sức vì nếu quá cao thì khó thực hiện, dễ mất niềm tin vào bản thân, khiến mọi kế hoạch mãi mãi nằm trên giấy.
Ngược lại, quá thấp thì không cần nỗ lực cũng đạt được, dễ nhàm chán, không tạo ra thách thức để vươn lên. Chẳng hạn đối với việc học ngoại ngữ, bạn đề ra mục tiêu học 10 từ mới mỗi ngày là hoàn toàn có thể. Nếu chỉ học có 5 từ thì quá ít nhưng cố gắng học 80 từ lại là một mục tiêu quá cao, không khả thi.
Ngoài ra, phải có mục tiêu học tập cụ thể, rõ ràng. Chẳng hạn nếu cho rằng từ nay về sau cần nỗ lực học tập để đạt kết quả tốt hơn là không có mục tiêu rõ ràng, mơ hồ. Cần phải xác định cụ thể hơn, ví dụ như trong môn văn, mỗi ngày dành một giờ để đọc tài liệu tham khảo, mỗi tuần tập viết một bài luận về đề tài tự chọn, cố gắng vượt lên hạng khá.
Sắp xếp thời gian khoa học
Sau khi đề ra mục tiêu, cần sắp xếp thời gian học tập một cách khoa học để đạt mục tiêu đó. Thời khóa biểu không chỉ có học mà còn phải dành thời gian nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí; đồng thời cần cân đối hài hòa giữa thời gian học nội khóa và ngoại khóa.
Đặc biệt phải chú ý tới bản chất của từng môn học để có kế hoạch đầu tư thời gian thích đáng. Lúc học nên sắp xếp xen kẽ các môn có hứng thú khác nhau, nhằm giảm bớt căng thẳng. Ví dụ: ôn tập văn xong, giải các bài toán khó, sau đó học ngoại ngữ...
Có thể 3 ngày hay một tuần, kiểm tra lại xem mình đã thực hiện kế hoạch đó ra sao. Nếu trải qua một thời gian thực hiện mà thấy kế hoạch còn nhiều chỗ chưa hợp lý, bộc lộ hạn chế thì phải điều chỉnh, sửa đổi ngay sao cho phù hợp với hoàn cảnh học tập thực tế của bản thân.
Tạo động lực
Nhóm sinh viên của Trường ĐH Ngoại thương (cơ sở 2) đoạt giải đặc biệt cuộc thi Phương pháp học đại học hiệu quả do Nhà văn hóa Sinh viên TP.HCM tổ chức, đã chia sẻ về phương pháp học tập hiệu quả.
Theo Nguyễn Hoàng Minh Vũ, đại diện nhóm sinh viên, có 3 nguyên nhân khiến sinh viên giảm hoặc mất động lực trong học tập: Không tự tin vào bản thân, không tập trung, không biết hướng đi.
Để khắc phục điều này, Vũ cho rằng hãy viết tất cả những khả năng, thành tích đã đạt được ra một tờ giấy và dán nó trên bức tường trước mặt nơi bạn học. Ghi tất cả tin nhắn khen ngợi, động viên của người khác dành cho bạn vào một cuốn sổ.
Việc nhắc lại thành tích hay nghe lại những lời khen tặng giúp bạn có thêm động lực vì biết mình đã làm và có thể làm được những gì chứ không phải để bạn tự mãn về thành tích đó. Đừng bao giờ rơi vào tình trạng không biết phải làm gì vì đây sẽ là nguyên nhân khiến bạn nhụt chí, chán nản, mệt mỏi và muốn bỏ dở việc học.
Những điều cần làm
Theo nhóm sinh viên, để đạt kết quả cao trong học tập cần lưu ý những điều sau:
- Luôn đặt câu hỏi tại sao: Việc đặt ra câu hỏi cho bản thân sẽ giúp người học đào sâu và nhớ lâu hơn, đồng thời còn rèn luyện độ nhạy bén và khả năng tư duy logic. Việc đặt ra câu hỏi tại sao sẽ giúp bạn có cảm giác được làm chủ bản thân, không thấy nản và lạc lối khi phải học trong một thời gian dài.
- Lên kế hoạch cho mọi thứ: Thói quen lập kế hoạch sẽ giúp người học không hoang mang vì lạc lối.
- Lập mục tiêu từ dễ đến khó: Điều này giúp người học có cảm giác hưng phấn, niềm tin khi đạt được mục tiêu một cách dễ dàng, từ đó giúp bạn có thể vươn tới những mục tiêu khó hơn.
- Nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý: Ngồi học khoảng một tiếng chúng ta bắt đầu cảm thấy ủ rũ, mệt mỏi và chán nản. Để khắc phục tình trạng này, nên tập vài động tác thể dục đơn giản, dành ra 5 đến 10 phút để nghe nhạc.
Lê Thanh (ghi)
Theo Thanh Niên