Để hộ kinh doanh cá thể tự do chuyển đổi thành doanh nghiệp

Không phải ngẫu nhiên mà việc chuyển đổi hộ kinh doanh lại được đặt ra và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cộng đồng như hiện nay khi hộ kinh doanh cá thể là lực lượng tiềm năng để đạt được mục tiêu có được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020. 

Tuy nhiên, việc chuyển đổi này đã và đang gặp không ít khó khăn, thách thách. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Lê Xuân Hiền – Trưởng phòng ĐKKD, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hải Dương, thành viên Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư.

PV: Thưa Ông, việc chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể thành doanh nghiệp đang được khuyến khích, tuy nhiên, trên thực tế, dường như các hộ kinh doanh doanh lại không mấy mặn mà với việc chuyển đổi này. Ông nghĩ sao về thực trạng này?

Theo tôi, chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp trước hết là vấn đề thủ tục hành chính. Thủ tục chuyển đổi rất đơn giản, nhưng trên thực tế nhiều hộ kinh doanh có rất nhiều đất đai, có nhiều tài sản lại bị vướng. Nếu các cơ quan chức năng có cơ chế chuyển đổi một cách dễ dàng và nhanh nhất thì chắc chắn các hộ kinh doanh sẽ sẵn sàng chuyển sang doanh nghiệp. Bên cạnh đó, vấn đề lao động cũng là yếu tố tác động đến việc chuyển đổi này. Sức ép lao động, sức ép hội nhập buộc các hộ kinh doanh phải vận động, phải chuyển đổi.  

PV: Vậy, để khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp, vấn đề cốt yếu đặt ra ở đây là gì, thưa Ông?

Chúng ta phải tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, chính thức, các chi phí phải như nhau. Từ hộ kinh doanh muốn chuyển lên doanh nghiệp, thủ tục chuyển đổi rất đơn giản, nhưng điều quan trọng là phải chuyển mềm, phải thông thoáng, phải thuận tiện.  

Tôi cũng muốn nhấn mạnh, không chỉ là việc chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp mà môi trường kinh doanh của nước ta đều phải làm dễ đi, thông thoáng hơn. Thông điệp từ Thủ tướng Chính phủ đã rất rõ, chúng ta không phải quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp mà chỉ là công cụ, nhiệm vụ để làm bà đỡ cho doanh nghiệp phát triển. Chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách thức quản lý doanh nghiệp sau đăng ký. Chỉ có làm vậy, môi trường kinh doanh mới được cải thiện và chúng ta mới có thể kích thích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp.

PV: Như Ông vừa chia sẻ, “chúng ta phải thay đổi hoàn toàn cách thức quản lý doanh nghiệp sau đăng ký”. Vậy, sự thay đổi này được hiểu như thế nào, thưa Ông?

Chúng ta tiến hành chuyển đổi hộ kinh doanh thành doanh nghiệp một cách bài bản, nghiêm túc, nhưng vấn đề là cơ quan Nhà nước, đặc biệt là cán bộ, công chức phải để cho họ hoạt động được. Nếu quá chặt chẽ, quá khắt khe thì việc quay trở lại mô hình hộ kinh doanh là điều dễ hiểu. Thực tiễn đã chứng minh và chúng ta đã có bài học kinh nghiệm, đã có khá nhiều hộ kinh doanh lên doanh nghiệp thành công và sau đó họ lại quay trở lại. Thậm chí, có người còn khôn ngoan hơn, họ duy trì một hộ kinh doanh, đồng thời, thành lập một công ty. Ví dụ: Đơn cử như việc thuê đất, đối với hộ kinh doanh chỉ cần xin ở cấp Huyện hoặc cấp Xã, nhưng với tư cách là doanh nghiệp thì việc thuê đất phải là cấp Tỉnh. Hay khi cần giao dịch, báo cáo hóa đơn, chứng từ, họ lại sử dụng tư cách của một doanh nghiệp.  

Quy luật của kinh tế thị trường, gia nhập kinh tế quốc tế buộc chúng ta phải minh bạch, buộc chúng ta phải nghiêm túc trong mọi vấn đề. Không chỉ cán bộ công chức, không chỉ cơ quan Nhà nước mà Nghị quyết 35 đã khẳng định, ngay doanh nghiệp cũng phải liêm chính. Doanh nghiệp cũng phải nghiêm túc trong kinh doanh.

PV: Với mục tiêu đạt được 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020 theo tinh thần Nghị quyết 35 mà các hộ kinh doanh chính là một lực lượng tiềm năng, mạnh mẽ. Liệu mục tiêu này có được hiện thực hóa, thưa Ông?

Chúng ta phải hiểu, một triệu doanh nghiệp hoạt động kinh doanh tốt, hoạt động hiệu quả, cái đó mới là cái khó. Tuy nhiên, với hàng loạt thay đổi quyết liệt như vừa rồi của Chính phủ và người đứng đầu Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp hoạt động và phát triển thì chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng mục tiêu sẽ được hiện thực hóa. 

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!