Ưu đãi cao nhất phát triển chuỗi giá trị của cà phê
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa có tờ trình gửi Thủ tướng về việc hoàn thiện hồ sơ Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk (gọi tắt Dự thảo NQ).
Trước đó, Chính phủ có Tờ trình 308/TTr-CP trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) hồ sơ Dự thảo NQ. Tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9/2022, UBTVQH tán thành sự cần thiết ban hành, thống nhất bổ sung dự thảo NQ này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH năm 2022 và trình QH xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV (tháng 10 này), theo quy trình tại một kỳ họp.
UBTVQH cơ bản thống nhất với nội dung 5 chính sách đã được Chính phủ trình tại Tờ trình số 308/TTr-CP, cụ thể: Tổng mức dư nợ vay; Phân bổ định mức chi thường xuyên tính theo định mức dân số; Ưu đãi thu thuế doanh nghiệp (DN) cho các dự án (DA) đầu tư trên thành phố Buôn Ma Thuột (TP.BMT); Phân cấp quản lý quy hoạch; Ưu đãi cho chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt.
“Các cơ chế, chính sách đặc thù được Quốc hội thông qua sớm sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của TP trong thời gian tới. Chẳng hạn 2 cơ chế về tài chính (mức dư nợ vay của tỉnh Đắk Lắk và tăng mức phân bổ chi thường xuyên) sẽ tạo ra nguồn lực rất lớn, giúp TP chi cho đầu tư phát triển hạ tầng, chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan. Cơ chế, chính sách về ưu đãi thuế TNDN sẽ thu hút các nhà đầu tư vào BMT, nhất là lĩnh vực sản xuất, chế biến sâu nông sản. Ngoài ra, cơ chế, chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt cũng tạo điều kiện thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về sinh sống, cống hiến cho thành phố” .
Ông Vũ Văn Hưng, Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột
Để kịp gửi hồ sơ trình Ủy ban Tài chính, Ngân sách QH thẩm tra theo yêu cầu của UBTVQH, Bộ KH&ĐT trình Thủ tướng cho phép chỉnh lý các chính sách đã được Chính phủ trình QH, bổ sung chính sách ưu đãi phát triển cây cà phê theo ý kiến của UBTVQH trong dự thảo NQ.
Cụ thể, tại Điều 4, Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) trên địa bàn TP.BMT, DA đầu tư trên địa bàn TP thuộc các ngành, nghề, lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, sản xuất, chế biến, và cung ứng dịch vụ, xuất khẩu cà phê và nông sản; du lịch văn hóa, cộng đồng, sinh thái; y tế, giáo dục và đào tạo (trừ các dự án được hưởng ưu đãi đầu tư theo các chính sách xã hội hóa); sản xuất các sản phẩm tiết kiệm năng lượng, các sản phẩm phục vụ ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ của DN khoa học và công nghệ; đầu tư kinh doanh trung tâm logistics, cảng cạn, kho hàng hóa tại TP.Buôn Ma Thuột được hưởng thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian 15 năm, miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo.
Các DA đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn TP.BMT được hưởng ưu đãi thuế suất thuế TNDN 10% trong thời gian 30 năm, miễn thuế TNDN 4 năm và giảm 50% số thuế TNDN phải nộp trong 9 năm tiếp theo. Đồng thời, các DA này được trừ các khoản chi quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị không vượt quá 25% tổng số chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Thời gian bắt đầu hưởng ưu đãi, điều kiện áp dụng ưu đãi thuế, thu nhập được hưởng ưu đãi quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế TNDN.
Đối với Điều 6: Ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt, theo ý kiến của Bộ KH&ĐT, các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt làm việc tại các cơ quan chuyên môn và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc TP.BMT trong thời gian thực hiện NQ này được miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong 5 năm đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công và thu nhập từ công việc phát sinh tại TP.
Dựa trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đã có văn bản số 1499/TB-TTKQH thông báo kết luận về nội dung này. Nghị quyết có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2023 và thực hiện trong vòng 5 năm.
Ngoài ra, UBTVQG đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các cơ chế đặc thù áp dụng cho các địa phương đã được Quốc hội thông qua; đề xuất một số cơ chế đặc thù, vượt trội, tạo động lực phát triển vùng Tây Nguyên.
Xét thêm các cơ chế, chính sách đặc thù
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Tuấn Hà, qua 2 năm thực hiện Kết luận 67-KL/TW và Nghị quyết 103/NQ-CP, tỉnh đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.BMT để trình QH, đang tiếp tục nghiên cứu đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù trình Chính phủ và Thủ tướng.
Tỉnh Đắk Lắk đã ban hành 11/32 Đề án, kế hoạch để thực hiện, đang tiếp tục hoàn thiện 22 đề án, kế hoạch, chương trình. Dự kiến, Đắk Lắk phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 cho 8/22 DA, công trình ưu tiên đầu tư; tập trung đôn đốc triển khai các DA, công trình lớn trên địa bàn TP, liên huyện có sức lan tỏa toàn tỉnh. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng chủ động phân cấp nguồn vốn đầu tư hạ tầng cơ sở bổ sung cho TP.BMT (tăng khoảng 340 tỷ/năm); phân cấp quản lý DA đầu tư xây dựng cho Chủ tịch UBND TP được quyết định đầu tư đối với các DA có cấu phần xây dựng dưới 100 tỷ đồng thuộc nguồn vốn ngân sách tỉnh (trước đây là dưới 50 tỷ đồng).
Các Bộ, ngành Trung ương cũng quan tâm bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho tỉnh Đắk Lắk để bố trí cho một số DA, chương trình ưu tiên đầu tư trên địa bàn TP.BMT; ưu tiên bố trí vốn cho một số DA, công trình lớn đang triển khai trên địa bàn TP có sức lan tỏa lớn về giao thông, thủy lợi, văn hóa xã hội (Hồ thủy lợi Ea Tam; nâng cấp Tỉnh lộ 1; DA đường bộ cao tốc Khánh Hòa – BMT; tư vấn điều chỉnh Cảng hàng không BMT; thống nhất vị trí, địa điểm xây dựng Bệnh viện Trung ương tại BMT…).
“Sự quan tâm này không chỉ tạo động lực phát triển KT-XH tỉnh Đắk Lắk nói riêng, khu vực Tây Nguyên nói chung mà còn góp phần cụ thể hóa Kết luận 67-KL/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP.BMT đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk nhấn mạnh.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk kỳ vọng đề án cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.BMT sớm được ban hành để tạo đột phá cho sự phát triển của thành phố, sớm được cụ thể hóa và tổ chức thực hiện.