Dễ biến chứng lâu dài nếu điều trị giời leo không đúng cách

Bệnh giời leo nếu điều trị không đúng để lại hậu quả là những cơn đau dây thần kinh dai dẳng, phải chữa lâu dài và tốn kém.
Zona có thể gây biến chứng nghiêm trọng là đau dây thần kinh.

Bác sĩ Trần Minh Thiệu cho biết, bệnh zona (giời leo) phát hiện sớm thì điều trị thành công và không gây biến chứng. Điều trị không đúng phương pháp, hậu quả lâu dài. Đây là bệnh do virus herpes zoster, gây tổn thương theo đầu rễ và dọc theo sợi dây thần kinh nên người bệnh sẽ rất đau theo rễ thần kinh tổn thương.

Theo bác sĩ Thiệu, virus herpes sau khi điều trị còn tồn tại nhiều ngày trong mô và sợi thần kinh gây tái phát bệnh. Ngoài để lại sẹo trên da, zona còn gây biến chứng nghiêm trọng là đau dây thần kinh. Người bệnh có cảm giác đau đớn như bị bỏng, bị đốt cháy da, kéo dài vài tháng đến vài năm. Đặc biệt biến chứng thần kinh thường gặp ở người trên 60 tuổi, đau kết hợp với yếu liệt cơ do thần kinh bị nhiễm virus chi phối.

"Khi biến chứng, việc điều trị rất tốn kém và phải kết hợp nhiều phương pháp tại chỗ như chườm lạnh, phong bế thần kinh bằng châm cứu, giảm đau bằng thuốc chuyên biệt về thần kinh... Vì vậy phải đặc biệt lưu ý điều trị zona ở người trên 60 tuổi", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Những triệu chứng thường gặp ban đầu của zona là cảm giác đau, ngứa, căng, bỏng, nhức ở một bên cơ thể. Thông thường sau khi cơn đau xuất hiện vài ngày các dải ban nổi, tấy đỏ, phồng lên những mụn nước ở ngay vị trí đau. Chúng tụ mủ và đóng vảy trong 10-12 ngày, sau đó biến mất, có thể để lại sẹo. Bệnh có thể phát triển thành dịch vào mùa hè, mùa mưa do tiếp xúc hoặc sinh hoạt chung với những người mắc. Sử dụng chung khăn mặt, khăn tắm, đồ dùng cá nhân... với người bệnh dễ bị lây nhiễm.

Cách điều trị bệnh là dùng băng ngâm nước lạnh đặt vào vết thương rỉ dịch trong khoảng 20 phút, mỗi ngày 7-8 lần để làm dịu bớt cơn đau và nhanh khô. Biện pháp này còn giúp lấy bớt vảy ra ngoài và giảm khả năng nhiễm trùng. Cần giữ cho vùng vết thương sạch sẽ, mặc quần áo rộng. Tránh tiếp xúc da chạm da với những người chưa từng bị thủy đậu, người đang ốm hoặc suy giảm hệ miễn dịch.

Có thể sử dụng thuốc kháng virus để giảm thời gian phát ban và đau. Không được gãi vì sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm trùng thứ phát và có thể để lại sẹo. Điều trị tốt nhất là trong vòng 48 giờ tính từ khi có tổn thương da. Nếu bệnh nhân đau cấp có thể uống thêm thuốc giảm đau thần kinh phối hợp. Sau khi hết tổn thương da mà vẫn còn đau thì phải điều trị bằng các thuốc trên kéo dài hơn. 

Bác sĩ Thiệu khuyến cáo tuyệt đối không đắp đỗ xanh, gạo nếp hoặc các lá thuốc nam lên tổn thương da. Phương pháp này không chữa được bệnh mà đôi khi còn tăng nguy cơ nhiễm trùng, gây loét, kích ứng da... Bệnh nhân không cần kiêng ăn, vẫn tắm rửa, tập thể dục bình thường. Trong khi điều trị nếu có điều kiện nên chiếu laser một đợt để giảm viêm, đau và hạn chế sẹo.

Theo Theo Vnexpress