Là người trực tiếp tham gia tổ thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội bàn về vấn đề tạo cơ chế đặc thù cho Thủ đô, đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, hiện vẫn còn hai luồng ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ông Nhưỡng và nhiều ý kiến khác có quan điểm, với Hà Nội, điều quan trọng không phải câu chuyện kinh phí, mà là vấn đề cơ chế, tạo điều kiện cho Thủ đô thế nào.
“Thiếu vốn thì Hà Nội có được quyền huy động không và huy động như thế nào? Đó mới là điều quan trọng, còn nếu cứ đòi phải có tiền là sai lầm. Luật Thủ đô chẳng ai để ý, đưa ra hướng dẫn mà lại cứ đi xin tiền. Trong khi ngân sách nhà nước chỉ ở trong phạm vi 2 triệu tỷ đầu tư giai đoạn 2016 – 2020 thôi, làm gì có tiền đầu tư thêm”, ông Nhưỡng phân tích.
Liên quan đến lý giải của lãnh đạo thành phố Hà Nội về “thảm họa” giao thông nhìn thấy trước mắt mà không biết phải làm gì do thiếu tiền đầu tư, đại biểu Nhưỡng cũng cho rằng, câu chuyện thiếu tiền đầu tư cho hạ tầng giao thông chỉ là một. Điều quan trọng là ý thức giao thông ở Hà Nội đã đạt đến độ thanh lịch chưa? Ông cho rằng, người Hà Nội tham gia giao thông thiếu độ thanh lịch, ý thức giao thông vô cùng kém, kém hơn hẳn ở TPHCM.
Ngoài ra, theo ông Nhưỡng, vấn đề quản lý, quy hoạch tổng thể ở Hà Nội cũng không khoa học. Chính những dự án lớn trong nội đô mọc lên, điển hình như ở khu Giảng Võ đã “tiêu diệt” toàn bộ giao thông Hà Nội.
“Tôi không phải nhà kiến trúc quy hoạch, chỉ là một người dân đi đường thôi cũng thấy như thế ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến lợi ích của người dân. Tất cả quy hoạch ở Hà Nội không có tổng thể và cơ bản là chắp vá. Rồi có vấn đề gì xung quanh không cũng cần phải xem xét.
Tôi chưa dám khẳng định có hay không lợi ích nhóm nhưng nếu xét về khía cạnh thực tiễn thì đây là vấn đề vô cùng trầm trọng. Muốn giải quyết cần phải xem nguyên nhân ở đâu. Như dự án ở khu Giảng Võ, HĐND đã có ý kiến rồi, tại sao anh vẫn cứ bảo vệ dự án này? Thế thì câu chuyện về năng lực quản lý, điều hành, hay lợi ích nhóm cũng phải được đưa ra đánh giá”, ông Nhưỡng nêu.
Để giảm ùn tắc, theo ông Nhưỡng các tòa nhà cao tầng, khu chung cư phải được xây dựng ở ngoại thành. Phải khơi thông bằng ý thức, bằng hạ tầng, bây giờ hạ tầng không làm được, lại còn “be bờ đắp đập” khiến thảm cảnh ùn tắc càng trầm trọng hơn.
Cùng với đó, tiền nhà đầu tư đổ vào rất nhiều, nhưng tại sao lại không để họ đầu tư cho hạ tầng giao thông mà lại đi xây nhà ở? “Vấn đề của Hà Nội không phải là thiếu tiền, mà là cơ chế chính sách, vấn đề tầm nhìn về quản lý, quy hoạch”, ông Nhưỡng nhấn mạnh.
Theo đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, cần phải có một điều tra xã hội học độc lập, đánh giá tổng thể về tình hình giao thông cũng như việc xây dựng các dự án lớn trong nội đô.