> Tạm giữ hình sự bảo mẫu 'phù thủy'
> Y án sơ thẩm Giang - Thơm và đồng bọn
> Bảo mẫu Phụng từng hành hạ nhiều bé
Là người làm việc lâu năm trong ngành y tế, chứng kiến và chữa trị nhiều ca bệnh hiểm nghèo, đòi hỏi sự bình tĩnh và vững vàng trong chuyên môn, nhưng bác sĩ, thầy thuốc ưu tú Nguyễn Thị Kim Loan thừa nhận, xem video clip bà Phụng hành hạ cháu Ngân mà không khỏi rùng mình. Những hành động đó không khác một cách “tra tấn” tàn bạo.
“Cần có hình phạt thích đáng với bà Phụng, đó là việc cần làm của cơ quan chức năng. Để tồn tại cơ sở trông trẻ, mẫu giáo tư nhân không giấy phép và không có sự kiểm tra cũng là một phần trách nhiệm của cơ quan chức năng. Về góc độ gia đình, các bậc phụ huynh cần quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình” - bác sĩ Loan nêu quan điểm.
Theo bác sĩ Loan, các bậc phụ huynh cần lưu ý những dấu hiệu sau để sớm phát hiện trẻ nhỏ bị bạo hành.
Khi đón con, bố mẹ cần quan sát biểu hiện của các cháu. Nếu có biểu hiện bất thường như ánh mắt sợ sệt, hốt hoảng, khóc, ôm chặt bố mẹ, những vết bầm tím, vết xước, đi lại khác thường (do sai khớp)... thì có thể đặt nghi vấn về việc cháu bị đánh đập.
Khi các cháu ngủ hay giật mình, nói mơ, la hét vô cớ, sợ ăn, kêu đau vu vơ, sợ đến lớp, hoảng sợ khi gặp người giữ trẻ hoặc cô giáo..., cha mẹ cần theo dõi để tìm hiểu nguyên nhân.
Sau một thời gian đi học, các cháu không làm quen được với lớp học, sợ sệt, hay quấy khóc, kém ăn, sụt cân..., rất có thể đó là nguyên nhân của nạn bạo hành.
Người dân không có sự lựa chọn
Trao đổi với phóng viên báo Tiền Phong, bà Trần Thị Thanh Thanh, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, cả nước hiện hầu như không có trường chính quy nào nhận trông giữ trẻ từ bốn tháng đến ba năm tuổi, vì thế các cơ sở trông trẻ tự phát mọc lên như nấm. Đáng lo ngại, hầu hết đội ngũ trông trẻ đều không được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ chăm sóc trẻ, thiếu đạo đức nghề nghiệp. Qua vụ bà Trần Thị Phụng hành hạ cháu Hồ Thị Thúy Ngân, càng thấy rõ hành vi vô nhân tính, vô đạo đức, không có kiến thức nghề nghiệp về nuôi dạy trẻ của một số người tự trông giữ trẻ.
“Chúng tôi thấy người dân chưa hiểu hết về trách nhiệm của mình đối với trẻ em, cũng như quyền của trẻ em. Nhiều người còn cho rằng, người lớn được đối xử với trẻ như vậy. Hiện nay, nhiều khu vui chơi của trẻ bị lấn chiếm hoặc bị biến tướng thành những dịch vụ khác, nhưng cả chính quyền và người dân đều chưa thực sự quan tâm đến vấn đề này” - bà Thanh cho biết.
Chính vì thế, những gia đình có trẻ, nhất là những gia đình nghèo không có sự lựa chọn khác ngoài việc chấp nhận gửi con cháu ở nơi không đảm bảo chất lượng.
Bà Thanh khẳng định, trong vụ ngược đãi bé Ngân ở huyện Thuận An (Bình Dương), chúng ta cần biểu dương người đã dũng cảm quay video clip hành hạ cháu Ngân, nhằm khuyến khích những người khác mạnh dạn đứng lên đấu tranh, ngăn ngừa nạn bạo hành trẻ em.
Bạo hành có thể làm hỏng cả một con người
Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Trưởng văn phòng luật sư Hồng Bách và Cộng sự nói, cơ quan chức năng cần nghiêm trị hành vi vô nhân tính của bà Phụng để làm gương cho kẻ khác. Việc bạo hành trẻ em không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tình thần của trẻ, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của bé, đặc biệt là trẻ từ một đến sáu tuổi. Ở độ tuổi này, não bộ đang trong quá trình hoàn thiện và phát triển, nếu có những tác động xấu đến trẻ nó có thể làm hỏng cả một con người.
> Video: Chửi rủa, đạp vào người, giật tóc, hắt nước vào mặt trẻ