“Cò” đất chơi trò tung hứng
Theo một “cò” đất ở xã Vĩnh Ngọc tên Hiếu, những lô đất mặt đường bám chân cầu thuộc thôn Ngọc Chi (xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh) hiện có giá 70-80 triệu đồng/m2; Các mảnh đất mặt đường vào thôn có giá 50-60 triệu đồng/m2; 35-40 triệu đồng/m2 đất trong ngõ rộng 4-5 m, 20-25 triệu đồng/m2 đất ngõ 2-3 m… Cách chân cầu 4-5 km như làng Vĩnh Thanh, Phương Trạch, đất mặt đường dao động ở mức 40 triệu đồng/m2, đất trong ngõ rộng 3-4 m giá 22-25 triệu đồng/m2...
“Vài tháng nữa cầu Nhật Tân khánh thành, chỉ đi qua cầu là đến khu Hồ Tây rồi. Khu vực này đã được quy hoạch thành đô thị cửa ngõ, lại sắp lên quận Cổ Loa, giá sẽ tăng mạnh, không mua nhanh là khó mua đấy”, Hiếu “dọa” khách.
Trong khi đó, chị Minh, ở quận Thanh Xuân Bắc, Hà Nội, người có miếng đất tại khu vực này giờ muốn bán thì than thở, cũng bị chính “cò” này “dìm” giá thê thảm.
Theo chị Minh, năm 2011, thấy cầu Nhật Tân khởi công, chị đã đầu tư gần 2,5 tỷ đồng mua một miếng đất rộng 66 m2 tại xã Đông Hội (huyện Đông Anh), cách cầu Nhật Tân khoảng 6 km. Ai ngờ sau đó, thị trường nhà đất “tụt dốc”, chị đành chờ khi cầu khởi công để bán đất cho được giá. Song người môi giới cho biết, miếng đất của chị giá chỉ 1,3 tỷ đồng, đồng thời đòi phí môi giới 2% thay vì 1% như thông lệ.
Khảo sát của PV cho thấy, tại khu vực chân cầu Nhật Tân, hầu hết các địa chỉ đề biển giao dịch bất động sản đều đóng cửa. Lác đác có vài địa chỉ mở cửa vì còn kèm theo dịch vụ rửa xe, bơm vá và bán thẻ điện thoại, bán nước… song cũng vắng bóng khách ra vào. Hồi hộp chờ quy hoạch
Cuối tháng 8, UBND TP Hà Nội đã hoàn tất phương án quy hoạch, đầu tư các dự án thành phần Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài với tổng kinh phí dự kiến 20 nghìn tỷ đồng.
Theo đó, tại vị trí nút giao tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với tuyến đường 5 kéo dài (xã Phương Trạch, huyện Đông Anh) gần cầu Nhật Tân sẽ là khu vực trung tâm thương mại, tài chính, ngân hàng. Ngay phía Bắc cầu Nhật Tân là một công trình dự kiến cao 100 tầng để bố trí một số bảo tàng, thư viện, tháp tài chính mang biểu tượng của Thủ đô.
Các xã: Vĩnh Ngọc, Tàm Xá, Hải Bối, Xuân Canh, Vân Nội, Tiên Dương, Bắc Hồng, Nguyên Khê của huyện Đông Anh thuộc vùng triển khai dự án trục đô thị Nhật Tân - Nội Bài.
Việc xây dựng Khu vực phát triển đô thị hai bên đường Nhật Tân - Nội Bài phấn đấu hoàn thành trong vòng 10 năm, bắt đầu khởi động trong năm 2014 và năm 2015 sẽ triển khai thực hiện.
Bà Hòa, nhà ở thôn Ngọc Chi (xã Vĩnh Ngọc, Đông Anh) rất hồ hởi trước thông tin sẽ xây dựng phía Bắc cầu Nhật Tân thành một đô thị cửa ngõ Thủ đô.
“Mong rằng quy hoạch đừng “treo”, hoặc đừng có thông tin đồn thổi như kiểu lên quận Cổ Loa, tôi nghe tin đồn này suốt 10 năm rồi”, bà Hòa nói.
Theo nhận định của chị Hương, sàn bất động sản Tâm Việt, nếu cơ sở hạ tầng phía Bắc chân cầu Nhật Tân được cải thiện thì giá đất khu vực này sẽ tăng hơn. Còn ở thời điểm hiện tại, đất Đông Anh khó “sốt” trở lại dù thời điểm thông cầu Nhật Tân cận kề.
Bởi theo chị Hương, cơ sở hạ tầng hiện tại của Đông Anh chưa mấy phát triển, và mức giá 25-40 triệu đồng/m2 tương đương nhiều khu đất nội thành ở Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoàng Mai… và quá “chát” so với những khu đất thổ cư ven đô như: Yên Nghĩa, Dương Nội, An Khánh chỉ từ 12-15 triệu đồng/m2.
"Xu hướng hiện tại của thị trường bất động sản là tập trung vào phân khúc nhà giá rẻ và chung cư nội đô, nên đất nền ven đô khó hút khách”. Chị Hương, sàn bất động sản Tâm Việt.
Theo Hải Quỳnh