Đặt điện cực vào não giúp bệnh nhân Parkinson hồi phục

TPO - Ngày 28/11, bác sĩ Nguyễn Minh Anh - Trưởng khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, bệnh viện đã áp dụng thành công kỹ thuật can thiệp ngoại khoa đặt điện cực kích thích não sâu đối với bệnh nhân mắc Parkinson giai đoạn muộn.
Ông T.V.K. sau ca mổ đã có thể co nắm hai bàn tay. Ảnh: Quốc Ngọc

Theo bác sĩ Minh Anh, Parkinson là bệnh giảm hình thành và sản xuất dopamine trong tế bào thần kinh gây rối loạn và thoái hoá hệ thần kinh trung ương khiến bệnh nhân suy yếu khả năng vận động, lời nói và cả các chức năng khác. Ở giai đoạn đầu, bệnh nhân chỉ điều trị nội khoa bằng cách uống các loại thuốc cung cấp chất dopamine để kích thích tế bào thần kinh. 


Tuy nhiên, sau thời gian sử dụng thuốc kéo dài, sẽ dẫn đến tình trạng lờn thuốc, bệnh nhân phải tăng liều và xảy ra tác dụng phụ là biến chứng rối loạn vận động. Đây gọi là giai đoạn muộn của bệnh Parkinson, bệnh nhân đi đứng uốn éo, dễ té ngã.

“Trường hợp ông T.V.K. (61 tuổi, ngụ Bình Định) sau khi uống thuốc 5 năm, bệnh nhân đến giai đoạn muộn và được chỉ định mổ. Trước đây, chúng ta đành bó tay, bệnh nhân nào có điều kiện thì phải ra nước ngoài chữa trị khá tốn kém”, bác sĩ Minh Anh chia sẻ.

Ê kíp phẫu thuật Bệnh viện Đại học Y Dược thành phố đã áp dụng kỹ thuật đặt điện cực kích thích não sâu cho ông K vào ngày 23/11. Bệnh nhân được chụp MRI để xác định tế bào thần kinh “lười biếng” (thiếu tiền chất để kích thích vận động) và chụp CT để định vị tế bào. 

Sau đó, bác sĩ khoan 2 lỗ ở 2 bên sọ bệnh nhân để đưa điện cực (thiết bị kích thích) vào đúng vị trí tế bào này theo chỉ dẫn của thiết bị dò đường bằng sóng âm. Do các thiết bị được đưa vào rất đắt nên đòi hỏi các thao tác phải hoàn toàn chính xác. 

Sau khi đặt điện cực vào vị trí tế bào, ê kíp phẫu thuật phải kiểm tra thực tế bằng cách bật nguồn điện, nếu bệnh nhân không co cứng, tức đã đặt đúng vị trí, như thế sẽ tiến hành đặt vĩnh viễn. Ca mổ kéo dài 6 tiếng cho ông K. đã thành công.

“Sau mổ, chúng tôi cần theo dõi các biến chứng sớm như nguy cơ đào thải dị vật ghép của cơ thể có thể gây ra nhiễm trùng, hoặc nguy cơ xuất huyết do khoan 2 bên sọ. Đến nay, sức khỏe bệnh nhân hoàn toàn ổn”, bác sĩ Minh Anh nói.

Trước đó, vào tháng 7 vừa qua, bệnh viện cũng đã mổ đặt điện cực vào não thành công cho một bệnh nhân nữ mắc Parkinson khi mới 42 tuổi.

Đối với các bệnh nhân nói trên, theo ông Minh Anh, hiệu quả sau khi đặt điện cực vào não giúp bệnh nhân khôi phục được 70-80% tình trạng cứng đờ chân tay, run và giảm gần như 100% biến chứng rối loạn vận động. Cũng như, giảm tối đa được liều thuốc uống trước đây. Tuy nhiên, họ vẫn tiếp tục tái khám 1-2 tháng và điều trị nội khoa, kết hợp vật lý trị liệu cho đến suốt đời.

Chi phí cho 1 ca phẫu thuật đặt điện cực này khoảng hơn 800 triệu đồng. Toàn bộ thiết bị cấy vào cơ thể gồm 2 điện cực đưa vào tế bào não có giá 2.000-2.500 USD/cái. Riêng pin nuôi điện cực được ghép vào vị trí ngực bệnh nhân có giá 500 triệu đồng/cái và phải thay pin mỗi 5 năm. Hiện BHYT chưa chi trả cho kỹ thuật này.

Y văn thế giới ghi nhận có 1,5-1,6% dân số thế giới mắc Parkinson. Tại Việt Nam, theo một thống kê không chính thức, tỷ lệ mắc từ 1,6-1,7%. Tại Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, số bệnh nhân Parkinson giai đoạn muộn đã được chỉ định mổ từ tháng 7 đến nay là 5-6 người. Tuy nhiên, chỉ có 2 người có khả năng thực hiện kỹ thuật mới đắt tiền này.