Đất đai, sông suối là cái lưng của ông bà

TP - “Đất đai, sông suối, cây rừng là cái nong, cái nia, cái lưng của ông bà. Ông bà là người giữ cái hang, trông coi rừng. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ buôn làng, rẫy nương, bến nước.”. Đó là luật tục của người Gia Rai và Ê Đê.
Già làng giới thiệu văn hóa bến nước ở Buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ.

Sáng sớm, hay chiều tà, bến nước ở các buôn của người đồng bào Ê Đê, Gia Rai, thường rất nhộn nhịp. Chị H Rung (buôn Ju, xã Ea Tu, thành phố Buôn Ma Thuột) bảo: Ngàn đời nay, bến nước đối với đồng bào Ê Đê, Gia Rai gắn liền với đời sống văn hoá, tâm linh của bà con trong buôn. Con suối chảy qua làng hay giọt nước đầu làng là tặng phẩm được chắt ra từ rừng đem đến sự sống tốt đẹp cho con người.

Còn bến nước- còn buôn làng

Mỗi bến nước đều có ít nhất 3 mạch nước, một mạch dành cho nữ tắm giặt, mạch dành cho phái nam, còn mạch dưới những gốc cây cổ thụ dùng để ăn uống. Ngoài việc cung cấp nguồn nước cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất, bến nước còn là nơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng.

“Những năm gần đây, một số buôn làng trên Tây Nguyên đã phục hồi bến nước và thực  hiện nghi lễ cúng bến nước theo phong tục truyền thống. Nhiều buôn đồng bào dân tộc Ê Đê, Gia Rai đã huy động dân tu sửa, làm cho bến nước thoáng đãng, sạch đẹp, bảo đảm vệ sinh môi trường, trồng lại nhiều cây xanh, trong đó chủ yếu là các loại cây bản địa để bảo tồn những nét đẹp văn hóa của đồng bào dân tộc”.

Ông Y Chen Niê, 

phó trưởng phòng 

Nghiệp vụ Văn hóa –

Sở Văn hóa 

Thể thao và Du lịch 

tỉnh Đắk Lắk

Người Êđê, Gia Rai quan niệm: Ai làm ô nhiễm nguồn nước sẽ bị Giàng (thần linh) xét xử và phải chịu những hình phạt rất nặng. Mỗi bến nước đều có một vị thần trú ngụ. Hàng năm, dân làng phải làm lễ cúng bến nước, nghi thức quan trọng nhất là mọi người tham gia quét dọn cho bến nước. Họ tin rằng làm như vậy các vị thần sẽ hài lòng, giúp dân làng được khỏe mạnh.

Già làng Y Hyu Niê (SN 1950), ở buôn Kmrơng Prong A, xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột bảo: Từ thuở xa xưa, người Ê Đê phải tìm một bến nước trong cánh rừng nguyên sinh rộng lớn, xanh thẳm để chọn chỗ lập buôn, rồi mới thực hiện các nghi thức cúng tế thần núi rừng, thần nước... để thần linh chứng nhận, che chở, cuộc sống của bà con trong buôn làng được bình an.

Hiện nay, ở tỉnh Đắk Lắk, nhiều nơi như buôn Trinh (xã Ea Blang, thị xã Buôn Hồ), buôn Kmrơng A, buôn Kmrơng B (xã Ea Tu, TP Buôn Ma Thuột), buôn Knia (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn), buôn Cháy (xã Ea M’roh, huyện Cư M’gar)… đã sửa sang, phục hồi lại bến nước.

Luật tục giữ rừng

Già Ama Hin (buôn Trinh, thị xã Buôn Hồ) bảo: Từ xa xưa, đồng bào Tây Nguyên cho rằng cây rừng đối với buôn làng là quan trọng nhất. Không có cây rừng sẽ không có nước, không có nước thì không sống được, vì thế người Ê Đê thờ thần nước rất nghiêm cẩn.?Luật tục Ê Đê nói rằng bảo vệ cây rừng là bảo vệ môi trường sinh thái của cộng đồng. Luật tục răn dạy: “Dân làng không được mang củi cháy dở vào rừng. Ai có con phải dạy con, ai có cháu phải dạy cháu, kẻo đi hái củi mà không biết đi, đi suối lấy nước mà không biết đi…”. “Con người để cháy rừng. Con người chặt phá rừng. Con người diệt hết muông thú. Tội ấy Giàng phải xử…”

Bến nước của đồng bào Ê Đê.

“Không có nước, con người không sống được. Mất cây rừng sẽ gây hạn hán. Mất cây rừng sẽ gây lũ lụt…”.”Cây rừng đã có từ thời xưa của ông bà để lại. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ buôn làng. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ rẫy nương. Bảo vệ cây rừng là bảo vệ bến nước. Bảo vệ cuộc sống của nhân dân”.

Trong khi tình trạng chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép ở các tỉnh Tây Nguyên còn nhức nhối, nhiều cánh rừng bị tàn sát thì hàng trăm năm nay cánh rừng nguyên sinh ở hai buôn Kmrơng Prong A và Kmrơng Prong B, buôn Ju xã Ea Tu vẫn còn vẹn nguyên. Các già làng luôn tuyên truyền cho người dân trong buôn biết những quy định, những hình thức xử phạt nghiêm khắc đã được ghi trong luật tục của buôn. Ví dụ như người nào chặt một cây gỗ trong rừng của buôn sẽ bị phạt một con heo và phải xin lỗi cả buôn, chặt bao nhiêu cây sẽ phải nộp phạt bấy nhiêu con heo. Tái phạm sẽ bị phạt gấp đôi.

Những quy định này được già làng và trưởng buôn nhắc nhở trong những lần họp buôn. Người vi phạm sẽ phải đem đầu lợn và một vò rượu cần ra bến nước trong rừng làm lễ cúng, xin các thần linh, già làng, trưởng buôn và dân làng tha tội, hứa không tái phạm. Lý do mà kẻ nộp phạt phải cúng ở bến nước là nhằm cầu khấn thần linh núi rừng đừng tức giận, để mạch nước mãi mãi tuôn chảy.

Cách phạt của buôn Kmrơng Prong A có phần nặng hơn. Già làng Y Bor KBuor, (sinh năm 1954) cho biết : Các quy định trong luật tục khác nhau ở mức độ phạt. Ở buôn này, người nào xúc phạm tới khu rừng thiêng của buôn sẽ bị loan báo cho cả làng biết, cho xấu hổ để lần sau không dám làm bậy nữa. Chặt một cây rừng sẽ phải nộp một con bò, một con lợn và vài vò rượu cần để cúng thần núi rừng và xin buôn làng tha thứ.

Dù ở thời nay, nhiều tục lệ ít nhiều đã thay đổi, mai một nhưng những luật tục giữ rừng của người Ê Đê ở hai buôn làng trên vẫn còn được giữ cho đến tận bây giờ. Vì thế mà cánh rừng nguyên sinh trong buôn của họ vẫn xanh bạt ngàn trên cao nguyên hùng vĩ. Bảo vệ rừng bằng luật tục chính là một nét văn hóa đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số bản địa Tây Nguyên.