Đất đai & kẽ hở

TP - Số liệu của Thanh tra Chính phủ, chỉ ở các tỉnh phía Nam, từ năm 2008 đến 2011, số lượt người cũng như số lượt đoàn đông người khiếu nại, tố cáo mỗi năm tăng gần 10%.

> Luật xa thực tế, cán bộ xa dân
> Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 về chính sách, pháp luật đất đai

Tính ra bình quân một ngày có 334 vụ với 339 lượt người; trong đó hơn 2 vụ đông người, trung bình một vụ có 16 người.

Hơn 70% là khiếu nại, tố cáo về đất đai. Năm 2012 chưa có thống kê cụ thể nhưng theo Thanh tra Chính phủ thì số vụ đông người “xu hướng tăng lên”. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 mới đây khẳng định: “Tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp”.

Nhưng dù phức tạp, khiếu nại và tố cáo đất đai vẫn rõ một đặc điểm chung: Diễn ra giữa người dân với chính quyền hoặc cán bộ các cấp. Điều này thật kỳ lạ, bởi theo Luật Đất đai thì chính quyền và người dân đều là chủ đất đai. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu; còn người dân là chủ sử dụng. Tại sao chủ đất lại phải khiếu nại, tố cáo nhau mỗi khi đất bị thu hồi?

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 (khóa XI) cho rằng, “lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng”. Như mọi cuộc trao đổi, bên này thiệt thòi thì lợi ích dồn sang bên kia, ở đây là dồn sang bên được sử dụng đất sau thu hồi, các chủ dự án và liên quan một số cán bộ chính quyền.

Thanh tra Chính phủ cho biết, nội dung tố cáo chủ yếu là “tố cáo cán bộ mất dân chủ, lợi dụng chức quyền để tham nhũng trong quản lý, sử dụng đất đai”.

Các đoàn giám sát của Thường vụ Quốc hội cũng cho biết, lĩnh vực đất đai đã làm hư hỏng nhiều cán bộ, những người gian lận trong lập phương án bồi thường về đất đai, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi, chia chác đất đai, bao che cán bộ sai phạm.

Đại biểu Quốc hội Phạm Huy Hùng ở Hà Nội có phát biểu đáng chú ý “hiện quy định thu hồi đất mang tính chất của hoạt động quốc hữu hóa tài sản hơn là công tác quản lý nhà nước”.

Và nghịch lý đã diễn ra khi nhiều người dân sử dụng đất đúng luật lại bị thu hồi, trong khi nhiều tổ chức và cá nhân sử dụng đất sai luật lại rất khó thu hồi như các dự án bỏ hoang kéo dài, thuê đất công sử dụng tuỳ tiện. Lẽ ra, đất sử dụng sai quy định của pháp luật thì mới bị thu hồi.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 chỉ rõ: “Quyền sử dụng đất là một loại tài sản và hàng hóa đặc biệt”. Đại biểu Quốc hội Lê Trọng Sang ở TP Hồ Chí Minh nói: “Đất đai là tài sản của dân không thể bị thu hồi”.

Cũng như mọi tài sản hợp pháp của người dân không bị quốc hữu hóa, quyền sử dụng đất đai với trường hợp thật cần thiết thì Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường với giá thị trường, theo quy định trong Hiến pháp năm 1992 và Luật Trưng mua, Trưng dụng tài sản năm 2008.

Nếu được như thế, lợi ích của chủ sở hữu “được bảo đảm tương xứng”, sẽ giảm tình trạng chủ đất phải khiếu nại, tố cáo lẫn nhau mỗi khi có sự biến động đất đai trong quá trình phát triển.

Theo Báo giấy