Đảo ngọc Phú Quốc chờ đón điện quốc gia xuyên biển

TPO - Ngày 17/ 11 tới đây, tuyến cáp ngầm 110kV xuyên biển cung cấp điện quốc gia cho huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang) sẽ chính thức được khởi công lắp đặt.

> Đưa điện quốc gia đến đảo Phú Quốc bằng cáp ngầm xuyên biển

Tổng công ty điện lực miền Nam (EVN SPC), chủ đầu tư dự án, cho biết việc chuẩn bị cho việc kéo cáp ngầm đến nay cơ bản đã hoàn tất.

Sẵn sàng đón cáp ngầm

Tuyến cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc có chiều dài trên 55,8 km, là tuyến cáp ngầm xuyên biển dài nhất Đông Nam Á. Đây là dự án thành phần trong Dự án cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên – Phú Quốc do Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVN SPC) làm chủ đầu tư có tổng vốn đầu tư 2.336 tỷ đồng. Ngoài tuyến cáp ngầm, dự án còn có các hạng mục công trình đồng bộ là đường dây và trạm biến áp nằm hai đầu tuyến cáp.

Ông Lê Xuân Thái –Trưởng Ban Quan hệ cộng đồng, EVN SPC cho biết, việc xây dựng các công trình đồng bộ gồm đường dây và trạm 110kV hai bên bờ đã được hoàn tất. Cụ thể, phía đất liền Hà Tiên, các hạng mục gồm: đường dây 110 kV Kiên Lương - Hà Tiên (2 mạch) dài 18,2km; trạm biến áp 110 kV/22 kV Hà Tiên; đoạn đường dây 110kV từ trạm biến áp 110 kV/22 kV Hà Tiên đến trụ đấu nối cáp ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc tại điểm tiếp bờ phía Hà Tiên đã hoàn thành đóng điện từ tháng 2/2013.

Đường dây 110 kV Kiên Lương - Hà Tiên và trạm biến áp 110 kV/22 kV Hà Tiên đã hoàn thành, sẵn sang đưa điện đến Phú Quốc.

Tại Phú Quốc, đường dây 110 kV Hàm Ninh - Phú Quốc (2 mạch) dài trên 7,6 km và trạm biến áp 110 kV/22 kV Phú Quốc cũng đã hoàn thành từ tháng 10/2013.

Đường dây 110 kV Hàm Ninh - Phú Quốc dài trên 7,6 km và trạm biến áp 110 kV/22 kV Phú Quốc đã hoàn thành, chuẩn bị đấu nối với cáp ngầm.

Ông Lê Xuân Thái cũng cho biết, riêng tuyến cáp ngầm, dự kiến phần lắp đặt dưới biển sẽ kết thúc vào ngày 18/12/2013 và toàn bộ hạng mục này sẽ được hoàn thành vào 13/1/2014. Sau đó là thời gian kiểm tra, thí nghiệm để chuẩn bị đóng điện chính thức trước 30/4/2014.

Theo ông Thái, đây là hạng mục phức tạp nên phải thực hiện theo quy trình đặc biệt nghiêm ngặt. Do đảm bảo yêu cầu không nối nên cáp phải được sản xuất với độ dài đủ để xuyên biển và vận chuyển nguyên cuộn cáp khổng lồ bằng tàu chuyên dụng từ nơi sản xuất (Itay) đến nơi lắp đặt. Hiện tại lực lượng công binh đã tiến hành rà phá bom mìn, vật liệu nổ toàn tuyến cáp.

Việc rà phá bom mìn, vật nổ cho dự án cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc do Công ty 29 (Tổng công ty 319 – Bộ Quốc phòng) đảm trách và được thực hiện từ ngày 17/9/2013.

Theo kế hoạch, vioe65c rà phá bom mìn sẽ hoàn tất đúng vào ngày khởi công kéo cáp ngầm, ngày 17/11/2013. Với tổng diện tích rà soát là 558 ha, trong đó có 7 ha trên cạn và 551 ha dưới nước.

Công ty 29 đang triển khai thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ cho dự án cáp ngầm 110 kV Hà Tiên - Phú Quốc.

Công ty 29 đã tổ chức 30 đội rà phá bom mìn, trong đó có 2 đội thi công hỗn hợp cạn, nước, 28 đội thi công dưới nước. Về trang thiết bị thi công, Công ty 29 đã bố trí 1 tàu có công suất 480 CV; 1 tàu định vị; 15 tàu điều tiết khống chế giao thông và 30 tàu chở quân, cùng với máy dò bom mìn, vật nổ và những thiết bị chuyên dùng khác.

Một trong những đội thi công rà phá bom mìn dưới nước.
Rà phá bom mìn tại điểm tiếp bờ.
Khảo sát tuyến cám ngầm xuyên biển Hà Tiên-Phú Quốc.
Khoan thăm địa chất dọc tuyến cáp ngầm.

Việc khảo sát tuyến và khoan thăm địa chất dọc tuyến cáp ngầm cũng được tiến hành cẩn trọng.

Động lực đổi đời

Điện cung cấp cho Phú Quốc hiện chạy bằng máy phát diesel và chỉ cung cấp được tối đa cho 16.764 hộ, trong tổng số trên 22 nghìn hộ dân trên đảo.

Nhà máy phát điện diesel trên đảo Phú Quốc luôn trong tình trạng rệu rã, quá tải .

Người dân, doanh nghiệp tại Phú Quốc hồ hởi trước tin sẽ kéo điện quốc gia ra đảo Phú Quốc bằng đường dây cáp ngầm.

Người dân xã Gành Dầu phải sử dụng điện với giá 25.000 đồng/kWh do một ông chủ “nhà máy điện” diesel địa phương cung cấp.

Nhờ đó, kỳ vọng đến năm 2015-2016 lượng phòng lưu trú tại Phú Quốc sẽ tăng gấp đôi so với con số 3.000 phòng hiện tại, đảm bảo đón 5-7 triệu lượt khách đến Phú Quốc vào năm 2020.

Gia đình bà Trần Thị Cúc, ấp Gành Dầu (xã Gành Dầu, Phú Quốc) đón đầu dòng điện quốc gia bằng việc đầu tủ lạnh, tủ làm mát để kinh doanh.
Trẻ em hớn hở, mừng vui khi đường dây điện hình thành.
Người trên đảo ngọc Phú Qúy dân kỳ vọng đổi đời nhờ nguồn điện quốc gia.

Cũng theo ông Lê Xuân Thái,việc đưa điện lưới quốc gia ra Phú Quốc đảm bảo năng lực cung cấp điện ổn định cho đảo trong bối cảnh nhu cầu tăng rất cao trong khi nguồn phát diesel không đáp ứng được; đồng thời giảm được giá bán điện trên đảo từ mức bình quân 5.060 đ/kWh về giá bình quân ở đất liền khoảng 1.508,85 đ/kWh. Điều đó sẽ tạo cú hích lớn trong đầu tư trên đảo.

Thêm một khu du lịch sinh thái mọc lên tại Bãi Dương- Hòn Một (Phú Quốc).

Chủ hãng nước mắm Khải Hoàn, bà Hồ Kim Liên chia sẻ khi có điện lưới quốc gia, Khải Hoàn sẽ mở rộng quy mô sản xuất bằng dây chuyền công nghiệp đối với các công đoạn như bơm mắm, sang chiết, đóng chai, hệ thống quản lý…

Ông Trần Ngọc Ngà cho hay, để đón đầu lượng khách đến Phú Quốc tăng lên sau khi có điện quốc gia, Thiên Hải Sơn đang triển khai dự án mở rộng khu nghỉ dưỡng bằng việc xây dựng thêm 17 phòng nghỉ. Ngoài ra còn thành lập trung tâm lữ hành quốc tế để tăng năng lực phục vụ du khách đến Phú Quốc. Ông Ngà hy vọng, khi có điện lưới quốc gia, Thiên Hải Sơn không những giảm được chi phí do giá điện giảm mạnh mà còn giảm được chi phí bảo trì, bảo dưỡng thiết bị điện do chất lượng thiếu ổn định hiện nay gây ra; từ đó kéo giá phòng và dịch vụ giảm, thu hút nhiều khách du lịch.

Du khách đến Phú Quốc ngày càng đông.

ĐẠI DƯƠNG –ĐÌNH HOÀNG

Theo Viết