Đảo Guam trong những ngày trở thành 'mắt bão'

TPO - Guam, hòn đảo nhỏ nổi tiếng với những bãi biển xanh cát trắng, bỗng trở thành con mắt trong trận bão địa chính trị mấy ngay qua sau khi lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên khẩu chiến tới mức độ gây lo ngại hơn thường lệ.
Guam là lãnh thổ của Mỹ gần Triều Tiên nhất

Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa dội “lửa và cơn giận dữ” vào Bình Nhưỡng, Triều Tiên đe dọa sẽ dội tên lửa sang Guam, một lãnh thổ của Mỹ trên Thái Bình Dương.

Các lãnh đạo quân sự của Triều Tiên đang hoàn tất kế hoạch trình lên nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào giữa tháng 8 để bắn 4 tên lửa tầm trung Hwasong-12 qua Nhật Bản đến đảo Guam, báo chí nhà nước Triều Tiên đưa tin hôm 10/8. Guam nằm cách Triều Tiên hơn 3.400km về phía đông nam.

Trẻ em nghịch cát trên bãi biển Tumon, Guam, hôm 10/8

Đối với Bình Nhưỡng, Guam được coi như mục tiêu hàng đầu vì đó là nơi hiện diện quân sự của Mỹ gần nhất với Triều Tiên, và cũng vì các phương tiện quân sự từ đảo Guam thường được chuyển từ đây đến khu vực bán đảo Triều Tiên.

Sự gần gũi đó khiến Guam trở thành mục tiêu bị Triều Tiên nhắm tới, và những lời khẩu chiến qua lại giữa Mỹ và Triều Tiên khiến 16.000 người dân trên hòn đảo nhỏ có nguy cơ đứng trước mũi sào.

“Tôi không thể nói chúng tôi không nên lo lắng vì chúng ta không biết họ có làm như vậy hay không”, một người dân tên là Tayana Pangelinan, sống ở Dededo, ngôi làng đông dân nhất ở Guam, nói với phóng viên CNN. “Nhưng vì Guam là nơi đặt rất nhiều vũ khí, nên tất cả những gì tôi có thể làm là cầu nguyện và tin mọi thứ sẽ ổn”, bà Pangelinan nói.

Thống đốc Guam, ông Eddie Calvo nói với CNN rằng ông Kim dọa tấn công đảo này từ năm 2013. Những lời đe dọa mới đây nhất cũng gây lo ngại, nhưng không đến nỗi quá sợ hãi, ông nói.

“Ở đây không hoảng loạn. Tôi không cố bỏ qua hay hạ thấp tình hình. Chúng tôi hiểu nguy cơ, nhưng chúng tôi không muốn làm ai hoảng loạn, và chúng tôi không muốn kết luận vội vàng chỉ dựa trên những lời tuyên bố hùng hồn”, ông nói.

Quang cảnh một khu chợ là Hagatna, Guam, Wednesday, hôm 9/8. 

Hòn đảo nhỏ này thuộc sở hữu của Mỹ trong hơn 100 năm qua, sau khi bị Nhật chiếm đóng trong vài năm thời Thế chiến 2.

Cho đến hôm 9/8, cuộc sống trên đảo Guam dường như vẫn bình thường, theo CNN.

Các du khách châu Á, chủ yếu là người Nhật và người Hàn Quốc, vẫn đáp xuống sân bay và vẫn khó tìm phòng nghỉ trong các resort nghỉ dưỡng nằm rải rác quanh đảo. Lượng du khách đến Guam vào tháng 7 vừa qua đạt mức kỷ lục trong nhiều năm.

Ngoài du khách, Guam còn là nơi đồn trú của khoảng 5.000 lính Mỹ đóng tại 2 căn cứ quân sự. Được mệnh danh là “mũi giáo”, Guam đóng vai trò chìa khóa để Mỹ bảo đảm hiện diện trên Thái Bình Dương.

Tầm quan trọng của Guam giảm bớt từ Thế chiến 2 do Mỹ mở căn cứ quân sự ở Nhật Bản và Hàn Quốc, nhưng giới phân tích cho rằng Guam vẫn đóng vai trò chủ chốt trên Thái Bình Dương.

Có THAAD vẫn lo

Trong lúc này, nhiều người dân địa phương vẫn tin vào sự bảo vệ của quân đội Mỹ. Mỹ đã lắp đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) ở Guam từ năm 2013. THAAD được thiết kế để bắn hạ các loại tên lửa đạn đạo. Mỹ cũng thường cử các tàu chiến được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đi tuần quanh chuỗi đảo Mariana mà trong đó Guam là đảo lớn nhất.

“Triều Tiên sẽ phải chiến đấu tốt nếu họ định gây rối với Guam”, ông Andrea Salas, một người dân địa phương, bình luận.

Tuy nhiên, một người dân khác tên là Jeremiah Tenorio nói rằng dù có THAAD trên đảo vẫn khiến ông lo ngại. “Theo tôi thì không có sự bảo vệ thực sự nào trước các tên lửa”, ông nói.

Thống đốc Calvo trấn an người dân trên đảo rằng mức độ đe dọa từ Triều Tiên không có gì thay đổi. Ông nói rằng dù lo nhưng người dân ở đây đã quen với những ngôn ngữ như vậy của Triều Tiên.

Tuy nhiên, ông Calvo cho biết ông thấy lo vì những tuyên bố gần đây của một số chính trị gia Mỹ như Thượng nghĩ sĩ Lindsey Graham thuộc đảng Cộng hòa.

Tuần trước, ông Graham tuyên bố: “Nếu phải có chiến tranh để chặn đứng họ (Triều Tiên) thì sẽ có chiến tranh. Nếu hàng ngàn người chết, họ cũng sẽ chết ở đó. Họ sẽ không chết ở đây và (Tổng thống Trump) nói như vậy trước mặt tôi”.

Ông Calvo cho rằng cách nói chuyện này rất nguy hiểm.

“Nếu xảy ra xung đột ở khu vực, phải hiểu rằng ở đây có một quần đảo dài 600 dặm là Mariana, bao quanh 2 lãnh thổ của Mỹ là Guam và Commonwealth ở vùng bắc Mariana. Bạn cũng đang nói về 200.000 công dân Mỹ, và những người dân thường, có thể sẽ bị đưa lên cây thập tự”, ông nói.