Đạo đức người làm báo

TP - Thời gian qua, khi xuất hiện kiến nghị sửa đổi Luật Báo chí theo hướng thủ trưởng tất cả các cơ quan tiến hành tố tụng có quyền yêu cầu nhà báo, tòa báo cung cấp danh tính nguồn tin, đã có nhiều ý kiến nhân sự việc này đề cập đạo đức người làm báo.

> Làm sao để các Tổng biên tập tâm phục khẩu phục
> Báo chí có mức độ tín nhiệm cao nhất từ người dân
> Không chỉ đạo đức, còn là nghĩa vụ

Các ý kiến đó đều thống nhất: Bảo vệ bí mật nguồn tin là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của đạo đức người làm báo.

Nhân Ngày Báo chí Việt Nam, chúng tôi thử đặt câu hỏi: Đạo đức người làm báo gồm những nguyên tắc cụ thể gì? Bộ quy tắc chuẩn về đạo đức người làm báo đã thực sự đi vào thực tế làm báo đầy sống động của Việt Nam những năm gần đây?

Các câu trả lời cho thấy chưa nhiều người biết Hội Nhà báo Việt Nam đã có “Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam”, ban hành ngày 13/8/2005. Một số người đã biết quy định gồm 9 điều này thì nhận xét, nó ngắn gọn, song hơi khô khan, hơi “hô khẩu hiệu”.

Chẳng hạn, đạo đức cơ bản trong tác nghiệp của nhà báo được nêu ở Điều 3, chỉ vẻn vẹn: “Hành nghề trung thực, khách quan, tôn trọng sự thật”. Vấn đề bảo vệ nguồn tin được nêu ở Điều 6, cũng rất ngắn gọn: “Bảo vệ bí mật quốc gia, nguồn tin và giữ bí mật cho người cung cấp thông tin”.

Theo chúng tôi, quy tắc đạo đức khác với quy định pháp luật. Quy định pháp luật có chế tài để buộc mọi công dân phải thực hiện. Quy tắc đạo đức chủ yếu khơi gợi sự tự giác, lòng tự trọng ở mỗi người. Phải tự thấy xấu hổ khi làm một việc mà mình nhận thức thế là không tốt, dù việc mình làm chưa đến mức bị pháp luật xử lý.

Về những quy tắc đạo đức cơ bản của người làm báo, chúng tôi ghi nhận được nhiều ý kiến của các nhà báo, phần lớn là những nhà báo trẻ. Họ góp ý bộ quy tắc đạo đức nhà báo (có thể gọi như vậy) cần những quy định cụ thể hơn, như: “Không cóp-py bài viết người khác”; “Không xâm phạm bí mật đời tư”; “Không cắt xén, lồng ghép ý kiến người được phỏng vấn”; “Không xào nấu thông tin mà không đi thực tế”; “Không ngại cải chính, xin lỗi”; “Không nhận phong bì”;v.v…

Hy vọng thời gian tới đây, Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có những hội thảo để chỉnh sửa, bổ sung về nội dung, và có những cách tuyên truyền, phổ biến hữu hiệu hơn về bộ quy tắc đạo đức người làm báo Việt Nam. Cùng với Luật Báo chí, bộ quy tắc đạo đức người làm báo chính là những hành trang tối thiểu mà các nhà báo trẻ cần trang bị trước khi vào nghề.

Theo Báo giấy