Đánh thuế tài sản, tăng thu bằng chống thất thoát thay vì tận thu

TPO - Các chuyên gia khẳng định, Bộ Tài chính cần có một quy định rõ ràng, hợp đạo lý hơn khi xây dựng dự thảo Luật Thuế tài sản và đặc biệt không được để người dân phải gánh thuế hai lần.
Theo các chuyên gia, có thể không cần đánh thuế tài sản nếu ngành thuế và tài chính siết lại việc chống thất thoát, gian lận, trốn thuế thay vì tận thu thuế

Trao đổi với Tiền Phong về đề xuất của Bộ Tài chính tại dự thảo Luật Thuế tài sản, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico khẳng định, ông không đồng tình với dự thảo này và việc thu thuế như vậy khiến những người thu nhập thấp, cuộc sống khó khăn càng thêm gánh nặng.

Ví việc nộp thuế như dự thảo là “sưu cao, thuế nặng", ông Đức cho rằng, cách xây dựng rất bất hợp lý và kiểu gì người dân cùng phải nộp. Cụ thể, dự thảo không nói rõ được mục đích và tính hợp lý của loại thuế này, nhất là về thời gian thực hiện, đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế, trị giá tài sản khởi điểm đánh thuế và thuế suất. Vì vậy, khi ban hành, sẽ buộc tất cả người dân kể cả không hoạt động gì cũng phải nộp thuế. Người thất nghiệp, hưu trí không đủ ăn, đủ sống cũng phải nộp thuế cho tài sản của mình. Các đối tượng là dân nghèo thành thị cũng phải nộp thuế và ngay cả những ngôi nhà thế chấp đang bị xiết nợ, chỗ chui ra chui vào duy nhất sắp mất cũng phải nộp thuế.

Ngoài ra, theo dự thảo, khi áp dụng cụ thể, người thu nhập thấp, người có nhà nhưng phải đi vay ngân hàng 90% giá trị để mua, đang gánh một đống nợ chưa trả cũng sẽ phải nộp thuế. Đặc biệt, việc nộp thuế sẽ phải thực hiện liên tục, kéo dài suốt đời.

“Mỗi sắc thuế được ban hành đều phải có nguyên lý và đạo lý. Việc thu thuế tài sản là hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề cần xem xét là đối tượng chịu thuế, giá trị tính thuế, thuế suất, thời điểm áp dụng. Thực tế, thuế tài sản được nhiều nước áp dụng nhưng việc so sánh Việt Nam với các nước khác cần xem xét nhiều khía cạnh như phúc lợi xã hội, thu nhập của người dân. Chẳng hạn ở Mỹ, thuế tài sản được áp mức khá cao nhưng đó là đánh thuế lên người giàu vì phần lớn người bình thường ở Mỹ là ở nhà thuê, phúc lợi ở Mỹ là khá tốt”, ông Đức nói.

Theo Chủ tịch Công ty Luật Basico, Bộ Tài chính cần có biện pháp để hỗ trợ Chính phủ giảm chi ngân sách, chi dùng có hiệu quả tiền thuế của nhân dân. Còn với dự thảo luật, cần nâng cao giá trị nhà đất nộp thuế từ 700 triệu đồng lên 5 tỷ đồng và giảm mức thuế suất từ 0,4% xuống 0,1%. Với các trường hợp khó khăn, không có khả năng nộp thuế cần được miễn giảm. Việc Bộ Tài chính tìm cách tăng thu ngân sách bằng những sắc thuế gây phản ứng như vậy sẽ chỉ tạo sự phản ứng xấu trong ngươi ngân.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cũng cho hay, cá nhân ông không ủng hộ việc Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế nhà trên 700 triệu đồng. Điều này khiến người dân phải đóng 2 lần thuế, tạo gánh nặng cho nhiều người. Theo ông Hiếu, một chính sách thuế khi được ban hành phải dựa trên  nguyên tắc công bằng và phù hợp với chủ trương của Chính phủ là giúp người dân có nhà ở. Hiện Nhà nước đang đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ người dân và nhiều người có thu nhập thấp mua nhà trong khi dự thảo lại có những quy định khiến giấc mơ sở hữu nhà của người dân bị xóa bỏ.

“Việc đóng thuế áp dụng đối với những căn nhà trị giá 700 triệu đồng trở lên đồng nghĩa với những ai sở hữu nhà tại đô thị đều phải đóng thuế. Chỉ nên đóng thuế sử dụng đất. Việc thu thuế là cần thiết nhưng khi thu thì phải hợp lý và quan trọng hơn cả là phải sử dụng tiền thuế cho hiệu quả”, ông Hiếu nêu quan điểm.

“Bộ Tài chính cần tăng thu bằng cách chống thất thoát, gian lận, trốn thuế. Và quan trọng là phải xác định rõ đối tượng đóng thuế. Đặc biệt, cần miễn thuế, miễn giảm cho các đối tượng chính sách, những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty Luật Basico.