Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế), ông Nguyễn Văn Phụng cho rằng, cần phải có cơ sở thuế rộng thì mới thu thuế được nhiều. Cơ sở thuế là các giao dịch mang lại nguồn thu cho người dân, cho doanh nghiệp và khi mở rộng cơ sở thuế bằng việc phát triển thị trường, công khai thông tin, phát triển chính sách trung và dài hạn thì thu thuế mới bền lâu. Do đó, cần thị trường bất động sản (BĐS) lành mạnh, thoả mãn nhu cầu về nhà ở.
Theo ông Phụng, thực tế, sau nhiều năm đổi mới, nhiều người ở nông thôn có tiền muốn mua ngôi nhà ở Hà Nội cho con cái học hành thì phải khuyến khích chứ không làm giảm nhu cầu được. Chúng ta có hai thời kỳ bất động sản bị đóng băng và ở mỗi thời kỳ Chính phủ, Quốc hội đưa ra những chính sách để phù hợp và nâng đỡ thị trường BĐS trong giai đoạn đó. Cho đến nay, thị trường đã có những phục hồi đáng kể. "Tôi cho rằng khi chúng ta chưa công khai được các thông tin về quy hoạch, giao dịch thì sẽ vẫn còn tạo ra hiện tượng đầu cơ. Nếu thị trường được công khai thì sẽ hạn chế rất nhiều vấn đề này", lãnh đạo Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn nói.
Ông Phụng cũng cho hay, ở nước ngoài người ta đánh thuế tài sản căn cứ vào giá trị của BĐS phần đất mới. Cho nên dù là thuế nhà hay thuế đất thì cũng vẫn là vấn đề của BĐS tạo ra. Thực tế cơ quan tài nguyên và môi trường, cơ quan thuế chưa liên thông về quản lý đất, nhà. Hiện nay đang kêu gọi thực hiện Chính phủ điện tử, do đó rất mong doanh nghiệp và người dân chia sẻ thông tin để có thể công khai minh bạch thong tin nhưng thực tế triển khai còn nhiều khó khăn.
"Tôi cho rằng chúng ta cần làm tốt thuế đất sử dụng phi nông nghiệp và xem xét cái gì không hợp lý thì sửa đổi cho phù hợp. Khi chưa quản lý được thì đánh thuế chưa thể đúng mục tiêu. Nếu quản lý chưa được mà đã đưa ra thông điệp sớm thì sẽ có khả năng gây xáo trộn thị trường", ông Phụng nói.
Dẫn 4 lý do cho thấy đánh thuế bất động sản liên quan đến đất và công trình trên đất là cần thiết, ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, BĐS là nhà đất của hộ gia đình cá nhân, hiện Nhà nước mới đánh thuế sử dụng đất phi nông nghiệp chứ chưa đánh thuế vào nhà. Ngoài ra, mức thuế hiện chưa giúp người sử dụng đất sử dụng một cách hiệu quả và chưa chống được đầu cơ. Cùng đó, hiện nay, tại một số quốc gia, thuế BĐS là một nguồn thu ngân sách và với mức cao hơn Việt Nam nhiều lần (Hàn Quốc đánh thuế cao gấp 3 lần Việt Nam). Việc nghiên cứu đánh thuế với nhà ở thứ hai sẽ giúp các cơ quan nhà nước, đặc biệt là Bộ Tài chính sẽ có thêm thông tin tư liệu nghiên cứu về loại thuế này.
"Theo tôi, khi nghiên cứu sắc thuế này cần biết mục tiêu là gì: chống đầu cơ?; người sử dụng nhà đất có trách nhiệm hơn trong việc đóng thuế? Làm sao để khi tính thuế với người có 1 nhà và chỉ để sử dụng thì việc đánh thuế không ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Chúng ta đã có thuế sử dụng đất phi nông nghiệp nên nếu sắc thuế mới này được thực thi thì không được thuế chồng thuế", ông Phấn nói.
Khẳng định ủng hộ sắc đánh thuế với nhà ở thứ hai, ông Phấn cho rằng về thời gian cần xem xét kĩ, chỉnh sửa để giải quyết vấn đề bỏ hoang đất đai. Trước mắt cần chỉnh sửa thuế đất phi nông nghiệp.
Ông Nguyễn Mạnh Hà – Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, các sắc thuế và phí không chỉ riêng ở các bất động sản mà kể cả các ngành khác đều rất quan trọng, bởi nó đảm bảo nguồn ngân sách Nhà nước. Việc đánh thuế và phí cũng giúp cho điều tiết thị trường, nếu thị trường quá nóng thì tăng phí để giảm bớt sức nóng ảo. "Hiện, thị trường BĐS đang rất ổn định, chỉ mới phục hồi được mấy năm sau một thời gian khủng hoảng dài. Vì vậy, những sắc thuế và phí gì đưa ra trong thời điểm này đều phải rất thận trọng. Nếu ta đánh thuế cao thì nguồn cung sẽ giảm đi", ông Hà nói.
Ông Hà cũng nêu quan điểm cho rằng, nếu đánh thuế nhà ở thứ hai sẽ ảnh hưởng đến thị trường nhà cho thuê. Ở các nước châu Âu, thị trường nhà ở cho thuê chiếm tới 70% trong khi ở Việt Nam mới chỉ có 10%. Còn nếu lấy lý do đánh thuế nhà ở thứ hai để tránh đầu cơ lại chưa phù hợp.