Ông có theo dõi vụ việc rất nóng những ngày qua khi một nữ sinh ở Hưng Yên bị đánh hội đồng, lột đồ và quay video làm nhục không?
Tôi theo dõi thông tin, xem cả đoạn video. Tôi sốc. Tại sao các em học sinh này lại có thể hành động dã man như thế? Rồi tôi tự hỏi nếu đó là con em mình, mình không để yên. Rất nhiều người cũng cảm thấy phẫn nộ, cả xã hội lên án hành vi đó.
Càng phẫn nộ hơn khi Ban Giám hiệu, giáo viên chủ nhiệm định giấu nhẹm đi. Hành xử này chính là hành động lệch chuẩn, biểu hiện của căn bệnh thờ ơ trong xã hội.
Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm biết sự việc, bạn bè chứng kiến nhưng không can ngăn. Theo ông đâu là nguyên nhân dẫn tới sự thờ ơ với nỗi đau, tính mạng của người khác như thế?
Có thể nói khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường, con người thường nghĩ tới bản thân nhiều hơn trong khi nguyên tắc của xã hội cộng đồng là phải vì cộng đồng.
Không thể phủ nhận nhiều người cho rằng chuyện đánh nhau là bình thường, cho rằng ở trường lớp nào cũng có.
Nếp sống thờ ơ khiến con người chỉ nghĩ về cái tôi.
Thêm nữa nhiều gia đình cũngdạy con thấy đánh nhau tránh xa ra, bởi “không phải đầu cũng phải tai”. Thực tế xảy ra trường hợp đáng tiếc như bố đùa với con bị hô bắt cóc và bị đánh đập, nhiều người cứu người tai nạn chở vào bệnh viện lại bị nhiều người xúm vào đánh. Thành ra nhiều người dần có phản ứng không muốn can thiệp vì sợ thiệt hại cho bản thân.
Ở đây còn nguyên nhân tâm lý đám đông nữa. Người này không can thiệp nên người kia cũng thôi, khoanh tay đứng ngoài.
Tôi nghĩ rằng rất nhiều ngôi trường có hiện tượng đánh hội đồng này nhưng chưa bị lên án. Nếu không xử lý nghiêm vụ này chắc chắn để lại những tác hại rất lớn.
Ông có thể nói rõ hơn không?
Hành động đánh hội đồng này chính là sự vi phạm luật về bảo vệ và chăm sóc trẻ em. Đó cũng là hành vi thiếu văn hóa. Tất cả những hình ảnh đánh hội đồng, quay clip đưa lên mạng càng khiến cho xã hội nhìn vào ngành giáo dục, các thầy cô và học sinh với cái nhìn thiếu thiện cảm.
Ngày xưa những chuyện ẩu đả có thể xảy ra trong phạm vi lũy tre làng, nay không gian mở rộng thoàn thế giới nên những hình ảnh được lan truyền trên mạng càng kinh khiếp. Nguy hiểm hơn nếu hiện tượng này không được xử lý có tính răn đe, hành vi đó càng được dung túng và lệch chuẩn.
Làm sao để có thể ngăn chặn những sự việc thương tâm như vụ việc học sinh bị đánh hội đồng ở Hưng Yên vừa rồi thưa ông?
Từ vụ việc cụ thể trên có thể thấy giáo viên chủ nhiệm vì áp lực công việc không sát sao với học trò. Ban Giám hiệu thờ ơ, xử lý xem nhẹ và thái độ xử lý hết sức đơn giản. Đó có thể do không hiểu biết và nhận thức đúng đắn về luật. Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em chưa được tuyên truyền tốt.
Bạo lực học đường có đất dung dưỡng do ba thiết chế lỏng lẻo-gia đình thấy chưa cấp bách, nhà trường coi nhẹ và cộng đồng thờ ơ. Muốn khắc phục thì ba thiết chế ấy phải đổi mới, nhận thức về luật tốt hơn và nhờ sự lên án mạnh mẽ của truyền thông.
Nhìn rộng hơn, bạo lực học đường đó cũng chính là biểu hiện suy thoái đạo đức xã hội. Ngành văn hóa cũng bàn nhiều về vấn đề này. Theo ông đối với ngành giáo dục có thể làm gì để điều chỉnh hành vi theo hướng chuẩn mực?
Tôi cho rằng đầu tiên phải đề cao giá trị của tinh thần vì việc công, tôn trọng quy định chung và tuân thủ pháp luật. Bạo lực học đường chứng tỏ luật chưa được tuyên truyền tốt, nên mọi người chưa nhìn ra đó là hành động tội ác. Không thể xem nhẹ hành động đó, theo tôi phải xử một số vụ điển hình. Còn nếu chúng ta vẫn nghĩ học sinh hành xử như thế bỏ qua, không công khai danh tính càng kích thích những người khác bắt chước.
Nhà trường cần có những bộ quy tắc ứng xử, thay đổi cách giáo dục công dân thông qua đổi mới sách giáo khoa-đưa các bộ luật vào sách, cách ứng xử thiết thân hàng ngày rất cụ thể, không dạy những thứ chung chung. Việc đề cao vai trò của gia đình, đoàn thể trong trường học, đề cao chuẩn mực xã hội giúp đẩy lùi những hành vi lệch chuẩn.
Cảm ơn ông!