Đằng sau việc gửi ngàn tỷ

TP - Vụ Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXHVN) dùng hơn 1.000 tỷ đồng tiền đóng góp chờ hưu của người lao động gửi vào Công ty cho thuê tài chính II (ALC II, thuộc Agribank) còn chưa xử lý xong hậu quả thì tuần qua lại rộ lên vụ Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) năm 2012 mang gần 20.000 tỷ đồng gửi ngân hàng, để nhận được khoảng 1.500 tỷ đồng tiền lãi. Những vụ mang ngàn tỷ tiền nhà nước gửi ngân hàng này nói lên điều gì?

> Cấp thẻ BHYT cho 100% dân xã đảo
> Ủy ban Kiểm tra T.Ư yêu cầu kỷ luật nhiều cán bộ

Theo thông tin trên một tờ báo, một trong những ngân hàng được SCIC chọn mặt gửi vàng là Vietinbank. Bởi những năm gần đây, SCIC đều gửi tiền tại ngân hàng này: Năm 2011, đã gửi 4.227 tỷ đồng theo hình thức ủy thác đầu tư không kỳ hạn và kỳ hạn 14 tuần, lãi suất 3-14%/năm; Năm 2010, cũng gửi theo hình thức trên 7.199 tỷ đồng, không kỳ hạn và kỳ hạn 6 tháng, lãi suất 2,4-11,2%/năm...

Theo cựu giám đốc một ngân hàng cổ phần, thì một ngân hàng chỉ cần có được một khoản tiền gửi như trên, đã mang lại lợi nhuận hàng trăm tỷ. Bởi tiếng là gửi không kỳ hạn (lãi suất chỉ trên 2%/năm), nhưng vì đây là những tổ chức giàu có, nên rất ít khi họ rút tiền ra, hoặc nếu có rút thì cũng báo trước cả tháng cho ngân hàng. Với những khoản tiền gửi này, ngân hàng hưởng chênh lệch lãi suất cực lớn, có thời điểm tới 20%.

Tôi có người bạn làm thủ trưởng một đơn vị sự nghiệp có thu. Do tính chất không phải là cơ quan kinh doanh thuần tuý, mà nguồn thu lại khá dồi dào, vì vậy tài khoản của đơn vị lúc nào cũng rủng rỉnh vài chục tỷ đồng. Nên ngay khi anh nhậm chức, không ít người quen ở ngân hàng “săn đuổi” đề nghị anh chuyển tài khoản về ngân hàng họ, không quên kèm lời rỉ tai "sẽ chi hoa hồng thỏa đáng". Tất nhiên khoản hoa hồng này là vào túi cá nhân.

Dăm năm lại đây, gần như không khi nào hệ thống ngân hàng thương mại tự tin về thanh khoản, mà phần lớn lâm cảnh đói vốn. Bởi thế, nhiều ngân hàng đành phải phá rào, đẩy lãi suất huy động lên cao; khuyến mãi người gửi tiền...

Chưa khi nào người gửi tiền lại được nhà băng chăm sóc kỹ như hiện nay. Trong bối cảnh ấy, ngân hàng nào huy động được nguồn tiền giá rẻ (tiền gửi không kỳ hạn), thì coi như thắng lớn.

Bởi chỉ so sánh chênh lệch lãi suất với tiền gửi có kỳ hạn, đã chênh nhau từ 7-10%, cộng thêm chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay thì ngân hàng hốt bạc, kể cả sau khi đã trừ chi phí hoa hồng.

Việc SCIC hay BHXHVN đem tiền nhà nước cho vay ngàn tỷ, có thể được lý giải rằng để “bảo toàn vốn”. Nhưng bản chất, đằng sau những thương vụ cho vay ngàn tỷ này, còn là vấn đề lợi ích nhóm mà chỉ những người trong cuộc mới hiểu được.

Bởi thực tế, việc cho ngân hàng vay không phải lúc nào cũng tuyệt đối an toàn. Như khoản cho vay hơn 1.000 tỷ của BHXHVN, đến nay mới chỉ thu hồi lại được vài trăm tỷ đồng, dù khoản vay được ngân hàng Agribank bảo lãnh.

Theo Báo giấy