Kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2018)

Đảng quyết tâm chống chạy chức, chạy quyền

TP - Trong suốt hành trình đi cùng dân tộc, Đảng luôn nhấn mạnh yêu cầu tự chỉnh đốn, chống lợi ích cá nhân, chống suy thoái, tư lợi, tham nhũng. Trong công cuộc chỉnh đốn này, Đảng đặc biệt coi trọng công tác cán bộ, coi cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thấtbại đều là do cán bộ tốt hay kém.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Hội nghị ngành xây dựng Đảng.

Bài 1: Chạy chức, chạy quyền gây bức xúc xã hội 

“Việc chạy chức, chạy quyền không chỉ làm tha hóa đội ngũ cán bộ mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí đe dọa đến sự tồn vong của Đảng. Bởi như Bác Hồ đã từng nói “Đảng không phải là nơi để thăng quan phát tài”. Tất cả các cán bộ đảng viên phải theo lý tưởng đó”, ông Nguyễn Trọng Phúc, Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng trao đổi với Tiền Phong.

Theo ông Nguyễn Trọng Phúc, từ khoá VII trở về trước, trong Đảng chủ yếu nói về các tiêu cực, tham nhũng, vi phạm, chứ rất ít có tình trạng chạy chức, chạy quyền. “Khi đó nhìn chung cán bộ vẫn tiến thân bằng năng lực, đạo đức, trí tuệ, chứ ít có chuyện “hậu duệ, quan hệ, tiền tệ”. Thậm chí, con cái của lãnh đạo cũng phải chấp nhận hy sinh, thiệt thòi, phải tiên phong, làm gương đi vào những chỗ gian khổ, nhiều hiểm nguy nhất.

Tuy nhiên, gần đây do tác động của kinh tế thị trường, sự hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền diễn ra ở nhiều nơi, nhiều chỗ, gây bức xúc trong dư luận. “Vụ bổ nhiệm nữ cán bộ ở Sở Xây dựng Thanh Hoá; bổ nhiệm giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam Lê Phước Hoài Bảo, hay vụ luân chuyển, bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh… được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vừa qua chính là những biểu hiện của tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, ban phát quyền lực”, ông Phúc nói.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mới đây khi dự Hội nghị ngành Xây dựng Đảng cũng đã thẳng thắn chỉ rõ: “Công tác cán bộ còn nhiều khe hở, lỗ hổng, tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém; chưa có cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền một cách hiệu quả. Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc nhiều người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại là sai?... Vậy vai trò, trách nhiệm và sự đóng góp của ngành Tổ chức xây dựng Đảng trong việc này thế nào”.

Ông Lê Quang Thưởng, Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư cho biết, trước đây “chạy chức, chạy quyền chỉ là cá biệt vì cơ chế kiểm soát quyền lực nghiêm ngặt chặt chẽ”. Tuy nhiên, gần đây do bị chi phối bởi lợi ích vật chất, sự suy thoái, cộng với những mặt trái của kinh tế thị trường dẫn đến tình trạng chạy chức, chạy quyền diễn ra ở nhiều nơi, nhiều cấp, ngành…

“Từ khóa XI, XII thì vấn nạn chạy chức, chạy quyền diễn ra vô cùng phức tạp”, Nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư Nguyễn Đình Hương – người cũng đã có 20 năm làm việc trong công tác tổ chức, cán bộ nói. Dẫn ví dụ cụ thể về vụ việc Trịnh Xuân Thanh, ông Hương cho rằng nếu không có chuyện “chạy”, không có người nâng đỡ thì Trịnh Xuân Thanh không thể dễ dàng được luân chuyển, bổ nhiệm vào các vị trí quan trọng ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang.

Ông Vũ Ngọc Hoàng, Nguyên Phó Ban Tuyên giáo T.Ư khi trò chuyện với Tiền Phong về tình trạng chạy chức, chạy quyền cũng từng nói rằng: “Chuẩn bị bầu bán là chạy. Luân chuyển cũng chạy. Đại hội cũng chạy. Họp cấp ủy cũng chạy. Người ta còn nói “cái gì cũng có thể mua được, không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền”, người ta chạy đến nhà thủ trưởng bằng phong bì lớn, kể cả bằng chiếc va-li nhỏ. Ghế thì có một nhưng hứa hẹn cho nhiều người, vậy là phải chạy. Ai chạy nhiều hơn thì được, chẳng khác gì “đấu giá””…

Nhìn thẳng sự thật

Thực tế, theo ông Nguyễn Trọng Phúc, những hiện tượng suy thoái, tiêu cực của cán bộ đảng viên đã được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận diện và đưa ra cảnh báo từ rất sớm. Chỉ sau hơn một tháng Cách mạng Tháng 8 năm 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi cho UBND các cấp và chỉ ra những tiêu cực, hạn chế đang manh nha xuất hiện. Trong thư, Bác đã chỉ rõ những “căn bệnh” của cán bộ các cấp như trái phép (làm trái pháp luật), cậy thế, hủ hóa (suy thoái về đạo đức, lối sống), tư túng (thu vén lợi ích cá nhân), chia rẽ (mất đoàn kết), kiêu ngạo (tự cao). Bác khẳng định, Nhà nước cách mạng là nhà nước phục vụ dân, việc gì có lợi cho dân thì phải ra sức làm, việc gì có hại đến dân thì phải hết sức tránh.

Năm 1947, Bác đã viết tác phẩm Sửa đổi lề lối làm việc. Trong tác phẩm này lần đầu tiên Bác dùng chữ chỉnh đốn Ðảng. Vì sao phải chỉnh đốn? Theo ông Phúc, vì bộ máy của Ðảng có biểu hiện tiêu cực, vô kỷ luật, bê trễ trong công việc, vi phạm đạo đức… cần phải chấn chỉnh. Trong công cuộc chỉnh đốn này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ sâu sắc về công tác cán bộ. Bác nói, cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Công việc thành công hay thất bại đều là do cán bộ tốt hay kém.

Tuy nhiên, khi kinh tế phát triển cũng bắt đầu nảy sinh hiện tượng tiêu cực. “Nhiều người có chức vụ đã lạm quyền, tự cho mình các quyền để thao túng công tác cán bộ, vật chất, cũng như nhiều tiêu cực khác”, ông Phúc nói… Do đó, tại Nghị quyết Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII, Bộ Chính trị đã báo cáo trước Trung ương, nêu rõ tình trạng “chạy”, trong đó có nạn “chạy chức”, “chạy quyền”… Những đại hội gần đây , Đảng cũng thẳng thắn nêu ra tình trạng chạy chức, chạy quyền và đề ra giải pháp chấn chỉnh.

Tuy nhiên theo phân tích của ông Phúc, đây là lĩnh vực đụng đến con người nên vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có lý, có tình, có đầy đủ bằng chứng… Đến khi có Nghị quyết T.Ư khoá XI, nhất là Nghị quyết T.Ư 4 khoá XII thì việc xử lý và ngăn chặn tình trạng chạy chức, chạy quyền, bổ nhiệm người nhà, người thân mới quyết liệt và hiệu quả hơn. Bằng chứng là hàng loạt các vụ việc được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra và làm rõ, xử lý nghiêm minh các trường hợp sai phạm trong bổ nhiệm như ở Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Quảng Nam…

“Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật chứ không hề che giấu. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa rồi khi dự hội nghị công tác xây dựng Đảng đã thẳng thắn nói rằng, “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của ban tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Nếu “chốt” rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái “chốt” này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào”, ông Phúc nói. Từ đó, ông Phúc khẳng định, việc Đảng làm nghiêm, chống tình trạng chạy chức, chạy quyền… sẽ đem lại niềm tin, vì cán bộ xấu sẽ kéo lùi sự phát triển của đất nước. “Tất cả những yếu kém của đất nước trong thời gian vừa qua, như tình trạng tiêu cực, tham nhũng, những dự án nghìn tỷ đắp chiếu… cũng phần nhiều do bố trí cán bộ yếu kém mà ra”, ông Phúc nói.

Báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương năm 2017 đã thẳng thắn nhìn nhận “cơ chế kiểm soát quyền lực và tình trạng chạy chức, chạy quyền vẫn là nỗi niềm trăn trở, băn khoăn, lo lắng của các cấp uỷ đảng, nhất là của Tổng Bí thư và Bí thư cấp uỷ”.

“Nếu “xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt” thì công việc của Ban tổ chức các cấp là “then chốt của then chốt”. Nếu “chốt” rắn chắc, cứng cáp thì công việc trôi chảy, suôn sẻ; còn nếu chẳng may cái “chốt” này mà mọt hoặc trục trặc thì không biết tình hình sẽ thế nào. Tôi nói Ban tổ chức có vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng là vì thế” 

   Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói tại Hội nghị toàn quốc về Ngành Tổ chức xây dựng Đảng (19/1/2018)