Đắng ngọt chuyện sinh viên đi làm osin

Chọn Ôsin như một công việc bán thời gian của sinh viên phần nào làm thay đổi định kiến của xã hội về một nghề lương thiện nhưng đồng thời công việc này cũng mang đến cho không ít người trẻ những tình huống oái oăm, dở khóc dở cười.
Ảnh minh họa

Trong thời gian gần đây phong trào sinh viên đi làm Ôsin rất phổ biến. Anh Nguyễn Trọng Hoàng – Trung tâm hỗ trợ sinh viên cho biết, từ đầu năm đến nay trung tâm này đã nhận được khoảng 460 yêu cầu thuê sinh viên giúp việc nhà. Trung tâm cũng đã giới thiệu hơn 420 sinh viên đến nhận việc và chưa nhận được sự phàn nàn nào từ phía người thuê.

Chọn Ôsin như một công việc bán thời gian của sinh viên phần nào làm thay đổi định kiến của xã hội về một nghề lương thiện nhưng đồng thời công việc này cũng mang đến cho không ít người trẻ những tình huống oái oăm, dở khóc dở cười.

Lương rủng rỉnh

Không giống những công việc làm thêm ngoài giờ khác của sinh viên, Ôsin không yêu cầu cao về ngoại hình như phục vụ bàn, thậm chí nhiều gia đình lại đặt ra yêu cầu càng kém xinh càng tốt, osin cũng không yêu cầu cao về kiến thức, nghiệp vụ như gia sư, dạy kèm, chỉ cần ngoan ngoãn và chăm chỉ.

Công việc của một Ôsin thường là nấu cơm, rửa bát, giặt giũ, chăm em bé – những việc chân tay nhẹ nhàng và thích hợp với đặc thù sinh viên. Lương Ôsin của một sinh viên khá dao động, từ 25 đến 200 ngàn một giờ nhưng đều mang đến một khoản thu nhập khá để trang trải chi phí học hành.

Sinh viên có nhu cầu làm Ôsin phần lớn là các em ở nông thôn có hoàn cảnh khó khăn. Mỗi tháng xoay xở được một vài triệu để gửi ra cho con là quá sức đối với gia đình rất nhiều em. Chưa kể đến việc sinh viên cần rất nhiều chi phí nằm ngoài chuyện tiền học, tiền ăn, tiền phòng như tiền sinh nhật, tiền gặp gỡ bạn bè,…việc làm thêm là một cứu cánh của sinh viên thời nay.

M.A, sinh viên năm 2 chuyên ngành kinh tế, trước có thời gian làm gia sư, do phải phụ thuộc thời gian vào việc học nên chuyển sang nghề giúp việc nhà. Mỗi tháng M.A kiếm được 600 ngàn để có thêm chi phí cho việc học. M.A cho biết gia đình chủ rất tôn trọng, động viên để bạn sắp xếp cuộc sống khoa học hơn.

Bạn KX, sinh viên Đại học Sư phạm quê ở Đồng Nai cũng đang làm giúp việc nhà cho chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh (phường 12, quận Phú Nhuận). Hàng ngày, từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối KX sẽ chuẩn bị  cơm tối theo thực đơn chủ nhà ghi sẵn, lau nhà, rửa chén, cho quần áo vào máy giặt và ủi quần áo. X. cho biết mấy ngày đầu đến nhận việc em còn lúng túng, không biết sắp xếp công việc ra sao.

Trong vòng 4 tiếng đồng hồ mà cả “núi” việc phải giải quyết nên tưởng như làm không xuể, phải lụi hụi đến 10-11h tối mới xong. Chủ nhà thấy vậy có chỉ dẫn thêm, sau một tuần thì X. quen việc, làm khỏe re. X khoe: “Mỗi giờ em được trả 25 nghìn đồng, tính ra một tháng em kiếm được gần 3 triệu đồng, đủ trang trải chi phí cho việc học”.

Những sinh viên như M.A và X. không những may mắn vì tìm được chủ nhà thích hợp lại được tin tưởng, tạo điều kiện tối đa để các bạn đảm bảo kết quả học tập trong quá trình làm việc. Rất nhiều bạn sinh viên làm tốt công việc của mình khiến cho nhu cầu tìm Ôsin sinh viên trở nên sốt hơn bao giờ hết và cái “mác” sinh viên làm nhiều người chủ cảm thấy rất yên tâm, tin tưởng.

Những nỗi niềm

Nhưng không phải ai cũng có được một công việc làm thêm bằng nghề giúp việc một cách êm đẹp. Do đặc thù công việc Ôsin có nhiều tính chất nhạy cảm, sinh viên không những chịu áp lực từ bạn bè mà còn bị chính người chủ của mình coi thường và bóc lột.

M.H đang là sinh viên trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài giờ học, H. nhận làm giúp việc theo giờ mỗi chiều, không may mắn như nhiều bạn được tạo điều kiện tối đa, H. thường xuyên bị bà chủ xem thường và bóc lột sức lao động. Gần hết giờ bà Hai tranh thủ dồn cho cô hàng đống việc. Có hôm M.H vừa dọn nhà xong, quay lại đã thấy đầy rác rưởi, xương xẩu tuôn ra từ tô cơm của mẹ con bà Hai.

 Khi M.H phản ứng thì bà chửi như tát nước: “Thế tôi bỏ tiền ra thuê cô để cô ngồi làm kiểng à?”. Tức giận M.H định nghỉ việc nhưng lại tiếc chưa lĩnh lương. Cô ngậm bồ hòn làm ngọt, vừa lau nhà vừa khóc.

Cũng lâm vào tình cảnh trái đắng như M.H, Linh, sinh viên khoa kế toán Đại học Thành Đô đã phải nghỉ việc giữa chừng. Linh nhận lời trông em bé cho một gia đình giàu sang, sống trong khu biệt thự sang trọng. Công việc hằng ngày của Linh là thức dậy lúc 6h sáng, chuẩn bị bữa sáng và lo việc cho cô chủ nhỏ ăn.

Khi em nhỏ ở trường, Linh dọn dẹp nhà cửa, giặt đồ, chuẩn bị bữa trưa. Buổi chiều em bé về thì Linh chơi cùng và làm cô chủ nhỏ vui trong lúc chờ bữa tối. Công việc chơi với em nhỏ không hề đơn giản như lúc đầu Linh tưởng. Linh phải tìm mọi cách để mua vui cho cô chủ nhỏ, bảo vệ cô chủ từ việc không để con muỗi nào bén mảng đến gần. Chỉ cần có một vết trầy xước nhỏ trên da con bé thôi là hôm đó Linh không nuốt trôi cơm trước cơn thịnh nộ của bà chủ.

Đỉnh điểm nhất là một lần Linh nấu cháo sườn cho con bé. Đang ăn có một miếng xương vụn còn sót lại, con bé tinh ranh chẳng nói chẳng rằng chạy lại móc miếng xương đưa cho mẹ. Chỉ chờ có thế bà chủ nổi trận lôi đình, bà chỉ tay vào mặt cô, xưng “tao” với “chúng mày”. Bữa hôm đó, Linh bị bà bắt ăn hết bát cháo trong nước mắt.

Ôsin là một công việc không đòi hỏi cao song nếu muốn kiếm tiền từ nghề này, sinh viên không chỉ cần ngoan ngoãn, chăm chỉ mà còn cần một chút may mắn. May mắn để không rơi vào những gia đình như gia đình bà Hai, gia đình bà chủ của Linh và nhiều những người thiếu hiểu biết, thiếu thông cảm khác.

Ôsin cho Tây, lắm tiền nhưng cũng nhiều cay đắng

Không chỉ giúp việc cho người trong nước, Ôsin cho người nước ngoài cũng thu hút rất nhiều bạn sinh viên trẻ. Giúp việc cho người nước ngoài có nhiều ưu điểm so với người Việt ở chỗ với cùng một khối lượng công việc, người nước ngoài trả tiền cao hơn rất nhiều, các bạn sinh viên cũng có một cơ hội tốt để học ngoại ngữ hàng ngày. Điểm cộng nữa là đa phần các bạn sinh viên đều nghĩ Tây thì rất thoáng, làm việc cũng dễ dàng hơn và ít bị cằn nhằn, chỉ trích.

Công việc trong nhà cho người nước ngoài không quá khó, chỉ là những việc vặt trong nhà như lau dọn nhà cửa, giặt quần áo, chăm sóc vật nuôi, hoặc có khi là dạy tiếng Việt cho người nước ngoài. Nếu giúp việc cho người Việt mỗi tháng chỉ được trả khoảng 2.5 triệu đồng thì giúp việc cho người nước ngoài có khi được trả tới 8 triệu/tháng. Chưa kể nếu làm tốt công việc, sinh viên còn được tính tháng lương thứ mười ba và tiền thưởng hậu hĩnh.

Tuy nhiên, những gia đình nước ngoài thường sử dụng vật dụng rất hiện đại, nếu không tìm hiểu kỹ, làm hỏng đồ đạc sẽ rất dễ bị sa thải, thậm chí phải đền tiền. Đó là chưa kể việc người nước ngoài vô cùng nghiêm khắc trong giờ giấc, và những khác biệt về văn hóa cũng là khó khăn cho sinh viên Ôsin.

Trường hợp của Mai, sinh viên Đại học Đông Đô từng làm việc cho một gia đình người Hà Lan. Ngay ngày đầu tiên đi làm cô đã đánh vỡ một chiếc cốc pha lê vì sơ ý. Bà chủ không một lời kêu ca hay phàn nàn gì song cuối tháng trả lương bà trừ của Mai 130 ngàn đồng.

Hay như bạn Hải Ngân, sinh viên năm 2 Đại học Quốc gia Hà Nội, ký được hợp đồng 3 tháng dạy tiếng Việt cho một anh người Canada. Anh này sang đây kinh doanh nên muốn học tiếng Việt và tìm hiểu những quy tắc ứng xử người Việt Nam. Hàng ngày cô đều đặn đến ngôi nhà trên đường Xuân Diệu dạy học cho anh chàng Tây trẻ tuổi. Không hiểu học hành kiểu gì mà 3 tháng sau cô đến bấm chuông thì chàng đã cao chạy xa bay để lại trong bụng cô mầm sống đã 3 tháng tuổi.

Với số lượng người nước ngoài đang sinh sống và làm việc lâu dài tại Việt Nam đang gia tăng như hiện nay thì Ôsin cho Tây trở thành một công việc làm thêm rất “hot” với các bạn sinh viên. Nhiều người đã lợi dụng cơ hội và lòng tin của các bạn trẻ, vẽ ra những viễn cảnh hão huyền, gây nên những câu chuyện đáng buồn cho sinh viên Việt Nam.

Nam sinh viên cũng tham gia

Những tưởng Ôsin chỉ là công việc dành riêng cho đàn bà, phụ nữ vì đặc thù “bếp núc” của nó nhưng gần đây, rất nhiều bạn nam sinh viên cũng tham gia kiếm tiền bằng công việc này và làm rất tốt.

Long, Đại học Điện lực Hà Nội hàng tháng kiếm được 3 triệu đồng từ giúp việc gia đình. Công việc hàng ngày của Long cũng rất nhẹ nhàng, đưa đón bé Bi, nấu bữa tối và kèm bé học bài. “Ở nhà mình vốn thích nấu ăn và nấu khá ngon, nên mình thấy đảm nhận công việc này cững không có gì ngần ngại cả”, Long kể.

Không vất vả như Long, thậm chí lương có phần cao hơn Long khi Hưng, sinh viên khoa tiếng Hàn Quốc, trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội được một gia đình Hàn Quốc thuê về để giúp đỡ việc nhà và dạy cách giao tiếp hàng ngày cho họ.

Hưng cho biết: “Mình chủ yếu là đi chợ và hướng dẫn cho cô chủ nấu các món ăn dân dã của người Việt vì ông chồng “nghiện” những món ăn đó”. Hưng được chủ nhà rất quý và cậu bạn cũng học được nhiều điều bổ sung cho vốn kiến thức trên lớp của mình.

Nam sinh viên giúp việc nhà không những được tin tưởng nhiều vì không buôn chuyện cà kê như sinh viên nữ mà còn tỏ ra rất được việc khi đưa đón các bé đi học an toàn hơn và khả năng làm việc nặng. Tuy nhiên, sinh viên nam cũng gặp phải không ít cạm bẫy khi giúp việc gia đình.

Cậu sinh viên tên Mạnh, trường Cao đẳng Du lịch Hà Nội từng bị bà chủ “gạ gẫm” nhân lúc ông chủ đi công tác xa nhà. Mạnh kể: “Hôm đó, mình đang dọn dẹp thì bà chủ về, bà ấy kêu mệt và bảo mình vào tẩm quất giúp. Mình cũng chỉ nghĩ bà ấy như mẹ của mình nên làm theo những gì bà ấy bảo.

 Nhưng càng xoa bóp, bà ấy càng đòi hỏi xoa bóp tới những vùng “nhạy cảm” và cuối cùng ôm cứng lấy mình. Tá hỏa, mình liền phi một mạch về nhà, cũng chẳng dám quay lại xin tiền lương nữa”.

Hay như Hải, ở lại làm thêm đợt tết vừa rồi vì tiền lương cao hơn hẳn ngày thường. Một ngày, Hải được yêu cầu nhắm mắt làm mẫu vẽ cho chủ. Nhưng khi mở mắt ra Hải thấy ti vi đang chiếu phim sex. Chị chủ cởi phăng đồ rồi ôm chầm lấy cậu với mong muốn được… ôm nhau xem phim sex. Hải bỏ chạy, chị ta vẫn quát theo giọng ngoa ngoắt: “Như nào, chưa làm đã chê ít tiền à. Bọn như chúng mày tao gọi suốt rồi, toàn cave chứ gì mà chảnh”. Lần đó, Hải không những không lấy được tiền còn suýt nữa bị “gạ tình” và lăng nhục.

Sinh viên làm Ôsin đã không còn là chuyện mới nữa. Đằng sau công việc không mấy vinh quang ấy là những nỗi niềm muôn hình vạn trạng của sinh viên nghèo. Kiếm tiền không bao giờ là việc dễ, vừa kiếm tiền vừa lên giảng đường lại càng không dễ đối với những người trẻ!