Đáng lo học sinh ‘phê’ thuốc
Việc lạm dụng thuốc trị ho Recotus quá liều sẽ dẫn đến ngộ độc, dù không nghiện vật vã như ma túy nhưng người uống bị lệ thuộc, tinh thần lơ mơ, giảm ý thức
Vụ ngộ độc Recotus (một loại thuốc ho) vừa xảy ra tại Trường THCS Tăng Bạt Hổ A (quận 4, TP HCM) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo với phụ huynh, nhà trường cần kiểm soát hành vi con em mình. Đây không phải lần đầu tiên học sinh sử dụng thuốc này để “phê”.
“Phê” để trốn học
Vụ việc được ban giám hiệu nhà trường phát hiện khi nghe nhiều phụ huynh học sinh phản ánh. Khi kiểm tra, nhà trường phát hiện hàng chục học sinh lớp 7 đã uống thuốc Recotus.
Các học sinh này cho biết từng uống Recotus nhiều lần, mỗi lần 1-4 viên. Các em biết và mua Recotus là do một cựu học sinh của trường bảo rằng uống thuốc này để… nhanh thuộc bài! Theo ban giám hiệu, giờ học buổi chiều bắt đầu từ 13 giờ 45 phút nhưng tầm 12 giờ, học sinh đã có mặt, tụ tập chơi đùa trước cổng trường nên dễ bị đối tượng xấu dụ dỗ, ép uống thuốc.
Đây không phải trường duy nhất có học sinh uống thuốc để “phê”, gây ảo giác, “mau thuộc bài” hoặc trốn dò bài, kiểm tra. Trước đây cũng đã có nhiều vụ tương tự: Tháng 4-2013, một số học sinh Trường THCS Trần Huỳnh (TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu) “phê” thuốc Recotus. Ngày 4-10-2012, gần 20 học sinh Trường THCS Bình An (quận 2, TP HCM) ngộ độc ảo giác sau khi uống Recotus quá liều. Ngày 25-11-2011, tại Trường THCS Khánh Hội A (quận 4, TP HCM), nhiều học sinh ngủ gật trong lớp sau khi uống thuốc này. Ngày 19-10-2009, 13 học sinh Trường THCS Trần Quốc Tuấn (quận 7, TP HCM) cũng dùng loại “thần dược” nêu trên...
Theo tìm hiểu của chúng tôi, lâu nay, một số học sinh tại TP HCM thường truyền miệng rằng Recotus là “thần dược”, uống vào sẽ tạo nên sự hưng phấn, cảm giác “phê”, thông minh, mau thuộc bài nên rủ nhau uống càng nhiều càng tốt. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng đây là cách để các học sinh trốn trả bài đầu giờ (do không thuộc bài) vì khi uống thuốc này vào sẽ gây ngủ gà ngủ gật, các em sẽ được đưa lên phòng y tế nhà trường để chăm sóc, nghỉ ngơi. Theo nhiều học sinh, đó là “lý do chính đáng” để ra khỏi lớp. Thậm chí, có em còn mua thuốc đem vào trường để bán lại cho bạn.
Tại các quầy thuốc tây trên địa bàn TP HCM, Recotus hiện vẫn được bán tràn lan, công khai mà không cần bác sĩ kê toa nên mua rất dễ dàng. Mua dễ, giá rẻ nên không quá khó để trẻ rủ nhau sử dụng loại thuốc này vô tội vạ.
Coi chừng chết đột ngột
Nhiều bác sĩ cho biết thuốc Recotus chỉ dùng điều trị cho bệnh nhân ho, cảm lạnh, viêm phổi, viêm phế quản, lao, gan, hen suyễn, các chứng trầm cảm; không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi. Trẻ trên 6 tuổi cũng phải dùng theo chỉ định của bác sĩ. Việc các em tự tiện uống thuốc này là hết sức nguy hiểm.
Theo bác sĩ Lê Đức Thọ (Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ, TP HCM), trong Recotus có 2 hoạt chất chính: Dextromethorphan HBr và Diprophyllin HCl. Dextromethorphan HBr được xếp vào nhóm giảm đau trung ương, chống ho bằng cách ức chế hô hấp, trong đó tác động lên nhiều thụ cảm thể trong não. Vì vậy, nó có tính dung nạp và phụ thuộc tâm lý cao. Chất này tuy ít gây nghiện hơn heroin, morphin, ma túy tổng hợp nhưng lạm dụng có thể gây hậu quả lâu dài dẫn đến lệ thuộc thuốc.
Trong khi đó, Diprophyllin HCl là dẫn xuất của Theophyllin, có tác dụng giãn phế quản do làm giãn cơ trơn, kích thích thần kinh trung ương gây hưng phấn. Tuy nhiên, Theophyllin lại có tác dụng trực tiếp lên tim, huyết áp nên dùng quá liều sẽ gây loạn nhịp tim, tăng huyết áp rất nguy hiểm.
PGS-TS Trương Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Dược sĩ bệnh viện TP HCM, cho biết thuốc Recotus nếu dùng quá liều sẽ rất nguy hiểm. Ý thức và kiến thức của học sinh còn hạn chế, vì vậy cần phải quản lý chặt chẽ nguyên liệu sản xuất, việc kê đơn cũng như quy chế kinh doanh dược phẩm. Ngành giáo dục và y tế cần phối hợp để tuyên truyền sâu cho học sinh về mức độ nguy hại khi lạm dụng thuốc.
Các chuyên gia y tế cảnh báo việc lạm dụng Recotus lâu dài cũng nguy hiểm và dẫn đến nghiện thuốc như sử dụng ma túy. Trong điều trị, khi dùng thuốc này quá liều cho bệnh nhân sẽ gây tác dụng phụ như dị ứng, ảo giác…, thậm chí chết đột ngột ở trẻ em.
“Uống thuốc Recotus để… được bệnh, được nghỉ học là nhận thức rất sai lầm và rất nguy hiểm” - một bác sĩ lo ngại.
Theo Nguyễn Thạnh
Người Lao Động