Vừa gặp gỡ đã chia xa
Tôi gặp Châu La Việt (con trai ca sỹ Tân Nhân và nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ là nhà báo, nhà văn) vào một ngày đầu tháng 4. “Sinh tôi mẹ lấy họ Trương của mẹ đặt tên cho tôi. Sau này mẹ cưới chồng đổi cho tôi theo họ Lê của người đó. Châu La Việt là bút danh tôi ghép từ 3 địa danh làng Châu Phong, con sông La và Cửa Việt- Nơi tôi được sinh ra”, anh giải thích về cái tên của mình.
Ca sỹ Tân Nhân tên thật Trương Tân Nhân, thủa nhỏ theo theo học tại trường nữ sinh Đồng Khánh (Huế) rồi tham gia Cách mạng, hoạt động bí mật trong nội thành Huế. Sau khi bị lộ, Tân Nhân được đưa ra Hà Tĩnh vừa học trường Huỳnh Thúc Kháng vừa tham gia đoàn văn công mặt trận Bình Trị Thiên. Tại đây cô gặp nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ cũng đang học ở trường này.
Tân Nhân lặng lẽ gửi tâm sự vào những câu thơ mà mãi sau này mới công bố: “...Con là kỷ niệm lúc chia phôi/Mẹ muốn quên dáng người đi tội lỗi/Con lại mang khuôn mặt người cha ấy/Vì có con mẹ chẳng thể quên cha/Những phút mẹ vui, những phút mẹ buồn/Muốn chia sẻ con cũng thành xa lạ/Đất nước chia hai, mẹ cha đôi ngả/Con là con sông có dòng đục dòng trong...”.
Một lần Tân Nhân đi biểu diễn thì gặp giặc Pháp đi càn. Cô chạy vào núi và bị lạc. Ai cũng nghĩ Tân Nhân đã chết trong trận càn đó. Xót thương, Hoàng Thi Thơ sáng tác ca khúc “Xuân chết trong lòng tôi”. Cả trường cùng hát ca khúc này trong lễ tưởng niệm Tân Nhân. Khi Tân Nhân trở về trường, biết chuyện, rất cảm động trước tình cảm của Hoàng Thi Thơ. “Cha tôi yêu mẹ tôi lắm. Có lần mẹ tôi đi lưu diễn, cha tôi còn đi ngược dòng sông La để gặp mẹ. Chuyện tình của cha và mẹ ngày đó ở khu 4 ai cũng biết”, Châu La Việt nói.Mối tình đầu chia ly ấy còn phảng phất qua nhiều ca khúc mà Tân Nhân thể hiện, như “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Ru con”, “Nhớ…”. Nhưng nổi tiếng nhất là “Xa khơi”. Ca khúc làm nên tên tuổi Tân Nhân, bởi trong vẻ đẹp mênh mông của biển trời, còn đâu đó sự xót xa, nỗi niềm nhớ nhung, bởi sự chia cắt hai miền Nam-Bắc mà hàng triệu người dân Việt đang gánh chịu. Riêng với Tân Nhân, sự đau đớn ấy còn lớn hơn vì đứa con đầu lòng phải mang thân phận “Con của nhạc sỹ Ngụy".
Khúc hát cuối
Sau ngày thống nhất đất nước, Châu La Việt vào TPHCM nhưng không gặp được cha bởi trước đó, Hoàng Thi Thơ đưa đoàn văn nghệ Sài Gòn lưu diễn ở Nhật và bị kẹt lại bởi sự kiện 30/4. Mãi tới năm 1993, khi hơn 40 tuổi, Châu La Việt mới được gặp cha. Châu La Việt viết: “Hơn 40 năm chờ đợi. Từ cái thuở tôi còn là một bào thai nằm trong bụng mẹ nơi cánh rừng kháng chiến, từ cái thuở dòng sông Hiền Lương cắt chia đôi miền, bàn chân mồ côi của tôi chập chững những bước đi đầu tiên ngay nơi vết thương chia cắt. Cũng đôi chân ấy một ngày băng trên những triền núi Trường Sơn khi tôi là một chiến sỹ, và ba tôi lại thuộc về chiến tuyến bên kia. 40 năm, đây là lần đầu tiên trong đời tôi có một người đàn ông để gục đầu vào ngực. Đây cũng là lúc không còn chiến tuyến bên này hay chiến tuyến bên kia của một thời dĩ vãng. Chỉ còn là cha và con. Và đêm ấy, lần đầu tiên trong đời, hai cha con tôi được ở bên nhau”.
Châu La Việt kể cha anh về nước 2 lần. Cha gặp mẹ nhưng mỗi người có hoàn cảnh riêng nên chỉ trò chuyện với nhau như những người bạn cũ. Cùng với con, ông đi khắp Việt Nam cảm nhận vẻ đẹp quê hương đất nước, viết lên những ca khúc để đời.
Hoàng Thi Thơ qua đời năm 2001 tại Mỹ. Trước khi mất, điều trăn trở lớn nhất là tác phẩm của ông vẫn chưa được trình diễn tại Việt Nam. Còn ca sỹ Tân Nhân, từ năm 2000 bà vào TPHCM sống với Châu La Việt. “Mẹ tôi ít nhắc chuyện cũ. Một lần mẹ nói: Con gắng đi Mỹ. Sang đó tìm nơi ba Thơ yên nghỉ, thắp cho mẹ nắm nhang. Tôi đi Mỹ, tìm đến mộ cha. Khi về nước, mẹ xem kỹ những tấm hình tôi chụp trên mộ cha và im lặng”.
Theo Châu La Việt, chỉ sau 4 ngày xem hình mộ của cha anh, mẹ anh bị đột quỵ. Từ đó không nói được gì nữa. Sau hơn 2 tháng chữa trị, NSƯT Tân Nhân đã vĩnh viễn rời xa cõi tạm. Khi dọn dẹp chỗ ở của mẹ, Châu La Việt thấy bản nháp một bức thư (bản chính được mẹ anh gửi đi trước khi bà bị đột quỵ vài hôm). Lá thư được gửi đến Bộ Văn hoá, nội dung: “...Nhạc sỹ Hoàng Thi Thơ từng là một đồng chí, đồng đội của tôi trong kháng chiến chống Pháp. Vì hoàn cảnh riêng nhạc sỹ về quê hương, sau đó vào Sài Gòn làm một nhạc sỹ tự do. Mặc dù không cùng trong hàng ngũ của chúng ta, nhưng nhạc sỹ không có bất cứ một hành động nào chống phá Cách mạng và đất nước... Với tôi, Hoàng Thi Thơ là mối tình đầu. Dù trong hoàn cảnh nào, tôi cũng thấy mình phải có trách nhiệm với tình cảm này. Đặc biệt trên cương vị là một ca sỹ, luôn trân trọng các tác phẩm âm nhạc hay đẹp ngợi ca quê hương đất nước, trong đó có một số tác phẩm của Hoàng Thi Thơ. Với tình cảm và trách nhiệm của một người nghệ sỹ, một đảng viên cộng sản, tôi kính mong các đồng chí xem xét lại các tác phẩm của Hoàng Thi Thơ, cho phép các tác phẩm tốt, các tác phẩm ngợi ca đất nước quê hương của NS được phổ biến rộng rãi...”.
Châu La Việt kể anh đã khóc khi đọc lá thư của mẹ. “Tôi hiểu đây là những lời nói cuối, là khúc hát cuối của mẹ cho mối tình đầu đầy khổ đau của mình...”.
Năm 2009, 6 ca khúc đầu tiên của Hoàng Thi Thơ được cấp phép biểu diễn. Cho tới năm 2013, có 58 ca khúc khác được phép phổ biến. Tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu thì trong hơn 500 ca khúc của Hoàng Thi Thơ, có nhiều ca khúc khác cần được sớm cho phép phổ biến.