Chú rể Tiberghien Frédo (tên Việt Nam là Bình), có quốc tịch Pháp, trong ngày tổ chức lễ cưới. Anh mặc trang phục người Dao và chuẩn bị tiến hành nghi lễ cưới theo phong tục dân tộc.
Phu nhân của anh là một cô gái sinh năm 1990, người dân tộc Dao, quê ở thôn Đồng Chằm, xã Vũ Linh, huyện Yên Bình (Yên Bái).
Tiberghien Frédo hiện sống và làm việc tại một khu sinh thái thuộc Yên Bình, nhờ đó anh đã quen và yêu cô gái người Dao tên Lý Kiều Xuân.
Lễ cưới truyền thống được diễn ra trong 3 ngày 2 đêm. Trước khi tổ chức cả nhà trai và nhà gái đã phải chuẩn bị lương thực, thực phẩm, đồ lễ và ông Mờ, bà Mờ…
Frédo khi ra khỏi nhà phải đội một chiếc nón mới mang ý nghĩa che chở, bảo vệ cho chú rể trong suốt chặng đường. Khi đến nơi, đoàn nhà trai không được vào nhà gái ngay mà phải vào nghỉ tại nhà ông đi hỏi cho đến 17h chiều (theo người Dao thì đó là giờ đẹp) sau đó mới bắt đầu đi từ đó sang nhà gái.
Trước khi sang nhà gái, nhà trai cử một đoàn đi đón dâu với số lượng bắt buộc là 11 người trong đó có trưởng đoàn, chủ hôn, chú rể, phù rể và các nam thanh niên trẻ, khỏe có tài hát đối đáp.
Chú rể mang sang nhà gái lễ vật gồm một vòng tay bằng bạc, trầu cau, muối, chè, bánh dày, hai bó miến, rượu, 8 con cá được cắt bằng giấy. Frédo cũng chùm lên đầu chiếc áo vàng (Gúy vằng) tượng trưng cho những cánh long, phượng che chở. Sau khi xong thủ tục, chú rể mới được bước lên nhà và phải đưa chân trái vào đầu tiên để thầy cúng làm phép rửa chân
Một ống nhỏ bên trong có 24 lá dong được đổ tro bếp với ý nghĩa tượng trưng cho hai vợ chồng trong 12 tháng sẽ luôn gặp may mắn, hạnh phúc, gạt bỏ được mọi điều xấu.
Cô dâu Lý Kiều Xuân, mới 24 tuổi. Ở bản cô được coi là lấy chồng muộn. Người phụ nữ Dao này từng tốt nghiệp Cao đẳng Du lịch, trong quá trình làm việc về ngành đã quen và yêu anh chàng người Pháp hơn mình hai giáp
Khi đoàn đón dâu đến chân cầu thang, nhà gái có các cô gái là bạn bè của cô dâu chặn lối để hát đối đáp. Ý của nhà gái nói với đoàn nhà trai là muốn lên nhà thì phải bước qua con dao (mang ý nghĩa là vượt qua mọi chông gai) và uống một ít rượu. Đây là lúc các chàng phù rể phải tìm được những câu hát thật hay để các cô gái mời lên nhà. Trên cầu thang nhà gái lúc này đã có sẵn một mâm lễ vật gồm một khăn mặt, chiếc cân và hai bát nước.
Người Dao xưa có quan niệm, khi đi lấy chồng thì cô dâu không được để hở mặt ra bởi như thế sẽ mất vía và cô dâu sẽ không gặp may trong suốt cuộc đời.
Tuy nhiên, tại đám cưới của chàng trai Pháp có nhiều cởi mở hơn, lược bỏ khá nhiều phong tục cũ, cô dâu được rước về mà không phải dùng khăn phủ kín đầu và mặt.
Theo phong tục của người Dao thì dù xa hay gần, khi sang đến nhà trai, đoàn nhà gái cũng phải nghỉ lại ở đâu đó rồi đến giờ hoàng đạo (thường là vào khoảng 18h chiều) cô dâu mới được lên nhà trai.
Về đến nhà trai, một phù rể ra cầm tay áo của cô dâu dẫn lên cầu thang bởi chú rể không được ra đón và cũng không được nhìn mặt cô dâu cho đến khi các nghi lễ lạy tạ tổ tiên được thực hiện xong.
Thầy cúng đã chờ sẵn ở cửa và làm phép rửa chân cho cô dâu. Bước chân đầu tiên vào nhà chồng cô dâu phải bước chân phải. Họ cho rằng, có như vậy mới tránh được những điều rủi ro, cô dâu và chú rể mới sống hạnh phúc trăm năm.
Những người đến dự đều chúc mừng hạnh phúc cho cô dâu, chú rể, tạo nên không khí vui tươi của cả bản làng. Được biết, sau khi cưới vợ được ít ngày, chàng trai người Pháp này sẽ nhập quốc tịch Việt Nam và sống cùng vợ hẳn đến cuối đời tại mảnh đất Yên Bái của Việt Nam.
Vài nét về chú rể Tiberghien Frédo: Sinh ra ở Paris, mang trong mình hai dòng máu Pháp và Việt, khi còn trẻ, Frédo là làm nghề chăm sóc, thuần dưỡng ngựa đua và thợ mộc. Nghe mẹ kể nhiều về Việt Nam, anh luôn ấp ủ một ngày được đặt chân tới. Đến năm 1994, giấc mơ của anh trở thành hiện thực.
Điểm đặt chân đầu tiên của Frédo là Hà Nội. Suốt những ngày lang thang ở các con ngõ tối om, sâu hun hút của phố cổ, anh thấy cuộc sống nơi đây thân thương như thể mình đã gắn bó từ lâu lắm. Trước đó, Frédo từng sống hạnh phúc trong một ngôi nhà nhỏ ven bờ sông Seine thơ mộng nhưng bỗng trở thành kẻ mồ côi vì cha mẹ mất trong một vụ tai nạn.
Từ đó, anh sống với bà ngoại và cùng bà đi chu du khắp nước Pháp. Sau những năm dài vòng quanh nước Pháp, anh cùng bà quay về sống ở một nông trại miền Tây. Hàng ngày, Frédo thường rong thuyền trên sông và thả mình vào bầu không khí trong lành, mát rượi. Nhưng tuổi thơ của anh đã trôi qua không êm đềm.
Kinh tế gia đình trở nên kém đi vì dịch bệnh cướp mất đàn gia súc, nguồn thu chính của gia đình. Anh buộc phải thôi học để giúp đỡ bà ngoại cùng các anh em của mình chăm lo cuộc sống. Tại Hà Nội, Frédo thuê một căn phòng nhỏ nằm bên bờ sông Hồng đoạn qua quận Long Biên (Hà Nội), thêm tiền chi phí cho một khóa học tiếng Việt và tiền mua một chiếc xe máy cũ 5 triệu đồng. Anh đã đi khắp các tỉnh phía Bắc, đến những khu du lịch hoặc những nơi hoang sơ phong cảnh hữu tình...
Lúc hết tiền, Frédo nghĩ đến những lần đi du lịch bụi và nảy sinh định làm du lịch để kiếm tiền sinh sống. Anh đã in những mẩu quảng cáo du lịch bụi lên một mảnh giấy và dán những nơi khách nước ngoài thường qua lại. Trong đó anh viết mấy thứ tiếng Việt, Pháp, Anh... Nếu ai có nhu cầu du lịch Việt Nam thì cứ gọi điện thoại cho anh. Những người nước ngoài khi đến Việt Nam đọc được tờ giấy quảng cáo liền gọi cho Frédo. Mỗi chuyến chở khách du lịch phượt như vậy anh lại thu về vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng.
Thời gian về sau anh xin giấy phép mở một công ty du lịch chuyên tổ chức những chuyến tham quan cho khách du lịch trong và ngoài nước. Năm nay đã gần 50 tuổi và 20 năm lang bạt chưa trở lại Pháp. Frédo bảo, mảnh đất này đã là máu thịt của anh. Với việc vừa cưới được cô vợ người Dao, người đàn ông 48 tuổi sẽ chuyên tâm vào làm ăn và gắn bó với cuộc sống bình yên ở vùng núi rừng Việt Nam