Rà soát đơn thư tố cáo
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, sau hội nghị hiệp thương lần hai, ở Trung ương tổng số đại biểu ứng cử là 197 người, ở địa phương có 949 người, trong đó 795 người được giới thiệu, 154 người tự ứng cử. Cũng theo ông Mẫn, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xử lý ba đơn, gồm hai đơn tố cáo bốn người, một đơn phản ánh về người ứng cử đại biểu (ĐB) Quốc hội (QH) ở Trung ương. MTTQ kiến nghị Hội đồng Bầu cử Quốc gia sớm có văn bản trả lời đơn tố cáo để kịp thời báo cáo tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba.
Chánh Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đến 10/4, Tiểu Ban nhân sự và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã nhận được 149 đơn, thư khiếu nại tố cáo, kiến nghị gửi đến Hội đồng Bầu cử Quốc gia, trong đó có 17 đơn tố cáo người ứng cử ĐBQH thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, 7 đơn nặc danh không rõ nội dung. “Đến nay việc khiếu nại tố cáo về bầu cử chưa nhiều. Tiểu Ban văn bản pháp luật và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chủ động hướng dẫn các địa phương giải quyết các vấn đề bức xúc ngay từ đầu và tại cơ sở, nhất là các mâu thuẫn nội bộ, tranh chấp, khiếu kiện, đình công...”, ông Phúc cho hay.
Về việc này, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bầu cử Quốc gia Tòng Thị Phóng đề nghị các tiểu ban chuyên môn phải phối hợp với các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ ở địa phương kịp thời kiểm tra, rà soát, chuẩn bị hồ sơ người bị khiếu nại, tố cáo để kịp báo cáo tại hội nghị hiệp thương lần thứ ba. Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử Quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đề nghị sớm hoàn thiện hồ sơ ứng viên, làm rõ nội dung khiếu nại tố cáo, thậm chí nếu có dấu hiệu tội phạm thì Bộ Công an phải tiến hành xác minh làm rõ.
“Đảng viên đi trước”
Đối với 197 đại biểu ứng cử ở Trung ương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị thực hiện nghiêm túc nguyên tắc phân bổ một cách bình đẳng, hài hòa, tránh tập trung quá đông vào một vùng miền nào đó. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý, trong công tác tuyên truyền, cần đảm bảo sự bình đẳng giữa các ứng cử viên trên từng đơn vị bầu cử, tránh tình trạng quá tập trung cho những người có chức có quyền, còn người khác thì mờ nhạt.
Qua đợt hội nghị hiệp thương lần hai, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cũng lưu ý đến vấn đề phát ngôn, thực hiện nếp sống gương mẫu, đi tiên phong trong các hoạt động ở khu dân cư. “Dân mình tốt lắm, thẳng thắn lắm, thấy không xứng đáng họ nói ngay. Ai không tham gia đóng góp cho người nghèo, các hoạt động ở khu dân cư mà không tham gia người ta nói hết... Điều đó nhắc nhở chúng ta về nơi cư trú phải gương mẫu hơn, đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, bà Ngân nói.
Văn phòng Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhận được dự toán kinh phí của 63 địa phương, với tổng nhu cầu kinh phí 3.594 tỷ đồng và 5 cơ quan Trung ương với nhu cầu kinh phí 32 tỷ đồng. Nhu cầu kinh phí đợt này tăng gấp 3,5 lần so với tổng kinh phí ngân sách Trung ương đã phân bổ phục vụ công tác bầu cử năm 2011. Hội đồng Bầu cử Quốc gia nhất trí phương án phân bổ kinh phí bầu cử với tổng số kinh phí bầu cử là 1.500 tỷ đồng.