Ngày khai mạc đã có báo Tiền Phong vinh danh nhóm khởi nghiệp Miss Ede
Ngày hội diễn ra trong 2 ngày 12, 13/10, có diễn đàn “Khởi nghiệp Đắk Lắk- Hành trình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh và kết nối nguồn lực”, nơi các startup được tiếp cận với nhà “đầu tư thiên thần” để gọi vốn; Có lễ ra mắt các “doanh nghiệp đỡ đầu ý tưởng”; Công bố 03 dự án được lựa chọn đầu tư, là Dự án tinh dầu thiên nhiên BMEC, Dự án Pizza Bếp Nhà và Dự án nâng cao giá trị củ nghệ truyền thống thương hiệu EPIS; Nhân ngày Doanh nhân Việt Nam, tỉnh cũng đã tuyên dương 20 cá nhân và tổ chức khởi nghiệp tiêu biểu.
Thu hút đông đảo dân chúng đến giao lưu, là Nhà Văn hóa Trung tâm tỉnh, nơi có 76 gian hàng trưng bày, giới thiệu 230 sản phẩm khởi nghiệp của Đắk Lắk và các tỉnh Quảng Nam, Huế, Lâm Đồng, Gia Lai.
Ngoài những nhóm khởi nghiệp trí thức như Ban Mê Green Farm, Kimly’s Coffee, Việt Farm, Nguyên Phương, Miss Ede, trường Đại học Tây Nguyên, còn có sự xuất hiện của nhiều nông dân và đại diện hợp tác xã (HTX) đến từ các huyện xã xa thành phố.
Nông dân Trương Phú Định hiện là giám đốc HTX Thành Công ở xã Cư Ealang huyện Ea Kar, đã giới thiệu nhiều mặt hàng của HTX như cam, quýt, bưởi và nhiều loại tinh dầu được chưng cất từ chính các loại quả này. HTX Thành Công có vùng nguyên liệu rộng đến 1000 hecta, từng được Chủ tịch một tập đoàn công nghệ về tận nơi hướng dẫn cách chế biến và hoàn thiện quy trình sản xuất.
Vợ chồng ông Lương Xuân Hưng (SN 1973)-Kiều Thị Định (SN 1981) có quầy hàng “Trang trại Hưng Định” giới thiệu nhiều loại rau, củ, quả. Trang trại rộng 7 ha ở xã Ea Tân huyện Krông Năng của gia đình ông Hưng mỗi năm thu hoạch được trên dưới 10 tấn tiêu, 10 tấn cà phê nhân. Hạn chế về học vấn, nhưng để thoát cảnh bị tư thương ép giá, vợ chồng ông đã tự học được cách xây dựng thương hiệu, tiếp cận thị trường.
Chị Đặng Thị Mai là chủ quầy hàng Hội LHPN huyện Ea Hleo- Cơ sở chế biến sản phẩm sấy khô và tinh dầu Mai Đặng trưng bày tới 15 mặt hàng. Vợ chồng chị có 3 hecta rẫy trồng cây ăn trái, đã đến nhiều nơi học cách sấy rau củ quả chất lượng cao, và nắm được bí quyết sấy bơ, măng, mãng cầu, thanh long, mít, chuối, rồi tiến lên sản xuất cả tinh dầu bơ, bưởi. Mỗi ngày trừ chi phí, cơ sở Mai Đặng lãi khoảng 1,5 triệu đồng, trả lương cho 4-5 phụ nữ trong thôn mỗi người 200-250 nghìn đồng một công.
Hiện trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk có 459 HTX, 3 liên hiệp HTX, trong đó có 262 HTX nông nghiệp. Một số HTX không kịp chuẩn bị hàng hóa đến ra mắt trong Ngày hội khởi nghiệp đầu tiên này cũng cử người đến học hỏi để lần sau tham gia.