Chiều 19/10, UBND TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) tổ chức chương trình đối thoại với thanh niên năm 2023, thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên tham gia.
Tại đây, thanh niên đã nêu những bất cập trong thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp; đề xuất các giải pháp phát huy vai trò của thanh niên trong xây dựng phát triển kinh tế, xã hội của thành phố.
Anh Thái Quang Êban - Phó Bí thư Đoàn Xã Ea Tu cho biết, đang xây dựng mô hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa ẩm thực, trang phục và nhạc cụ dân gian Tây Nguyên.
“Trong tương lai, tôi muốn lưu giữ, quảng bá nét đẹp văn hóa dân tộc trên nền tảng số. Tôi sẽ gắn mã QR sau mỗi món ăn, nhạc cụ dân tộc, hay một vật dụng truyền thống để du khách biết được ý nghĩa”, anh Quang chia sẻ và mong muốn có nguồn vốn đầu tư cho thanh niên phù hợp với nhu cầu khởi nghiệp.
Anh Y Long Niê Siêng - Phó Bí thư Đoàn phường Thành Nhất chia sẻ, đoàn viên thanh niên là lực lượng tiên phong thực hiện chuyển đổi số nhưng vẫn còn một số bạn chưa nhận thức được rõ vị trí, vai trò của mình. Anh Long mong lãnh đạo chia sẻ các kỹ năng giúp đoàn viên thanh niên thực hiện chuyển đổi số thành công.
Các ban ngành, lãnh đạo thành phố đã tiếp thu, giải đáp những ý kiến, thắc mắc của đoàn viên thanh niên; đồng thời tìm hướng tháo gỡ.
Ông Vũ Văn Hưng - Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột nhấn mạnh, chuyển đổi số, kinh tế số phải đi đầu từ thanh niên. Các đoàn viên thanh niên nghiêm túc nhìn nhận vai trò, tư duy đúng, đặt mục tiêu quyết tâm hành động thành công. Thành phố mong nhận được hiến kế, sáng kiến giải quyết về chuyển đổi số, kinh tế số.
Ông Vũ Văn Hưng chia sẻ, thành phố luôn đồng hành cùng tổ chức Đoàn, Hội, đặc biệt những doanh nghiệp trẻ tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn.
“Thành phố đặt hàng đoàn viên thanh niên về chuyển đổi số và kinh tế số bằng các việc làm cụ thể. Giao cho các phòng ban, xây dựng tham mưu cho UBND thành phố các hoạt động liên quan đến việc đặt hàng. Tôi đề nghị từng cơ quan, đơn vị, từng đoàn viên thanh niên, tổng phụ trách đội, mỗi người có hành động, một sáng kiến, nội dung về chuyển đổi số, kinh tế số”, ông Hưng nói.
Đắk Lắk chi 330 tỷ cho chuyển đổi số
Tại Hội nghị đối thoại doanh nghiệp (DN) năm 2023 diễn ra sáng cùng ngày, ông Nguyễn Hữu Phúc, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Đắk Lắk cho biết, chuyển đổi số trong sản xuất kinh doanh là tất yếu, giúp DN nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, đủ sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt là trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta không tham gia sẽ bị lạc hậu.
Để giải được bài toán chuyển đổi số trong DN, theo ông Phúc trước tiên người đứng đầu DN phải có tư duy số, hành động số. Sau đó mới tính đến việc số hóa hệ thống phân tầng, quản trị hành chính thông thường sang kỹ thuật số, xây dựng hệ thống báo cáo có tính liên kết đến cơ sở dữ liệu. Cuối cùng là chuyển đổi số toàn diện.
Trong giai đoạn trước tỉnh Đắk Lắk đã xây dựng hệ thống Big Data, tạo cơ sở dữ liệu với số vốn khoảng 45 tỷ đồng. Giai đoạn này, tỉnh tiếp tục đầu tư dự án cơ sở hạ tầng chuyển đổi số với mức đầu tư 330 tỷ đồng. Đây là hạ tầng lõi, cơ bản để phát triển ra chuyển đổi số cho các ngành.
Sau này các DN sử dụng dữ liệu trong hệ thống này có thể phải trả phí, nhưng đổi lại được họ có được các thông tin quy hoạch đất đai, chính sách thuế, đầu tư… mà không cần đến các cơ quan hành chính Nhà nước.
Tuy nhiên, chuyển đổi số không có công thức chung, DN dựa vào bộ công cụ đánh giá mức độ sẵn sàng chuyển đổi số (do Bộ KH&ĐT, Bộ TT&TT) ban hành để xem mình ở vị trí nào và chọn giải pháp phù hợp với năng lực.
Về chính sách hỗ trợ DN chuyển đổi số, ông Phúc thông tin thêm, Chính phủ đã ban hành Nghị định 80/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa.
Nghị định trên quy định rõ chính sách hỗ trợ cho DN trong phát triển công nghệ và chuyển đổi số. Ngoài ra, DN liên hệ với Sở TT&TT tỉnh Đắk Lắk (cơ quan được giao hỗ trợ, cố vấn giải pháp chuyển đổi số và chi phí thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số cho DN) để được hướng dẫn…