Đại dịch COVID-19 khoét sâu khoảng cách giàu nghèo

TPO - Tổng Thư ký liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã đe dọa, thậm chí đẩy lùi những kết quả mà cộng đồng đạt được trong suốt thời gian qua, đào sâu khoảng cách về thu nhập...
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Ảnh QH

Ngày 30/7, tại Nhà Quốc hội diễn ra Hội nghị “Đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững” (AIPA-ECC). Hội nghị nằm trong khuôn khổ năm Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng Liên Nghị viện các Quốc gia Đông Nam Á (AIPA) nhiệm kỳ 2019-2020.

Hội nghị do Quốc hội Việt Nam tổ chức theo hình thức trực tuyến, gồm các điểm cầu ở Việt Nam và tại Nghị viện một số nước thành viên AIPA.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, hội nghị lần này là sáng kiến của nước chủ nhà Việt Nam, Chủ tịch AIPA 2020 với mong muốn các nghị viện thành viên, các đối tác cùng nhau thảo luận về cơ chế hợp tác liên nghị viện AIPA trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa, nhằm thực hiện chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên hợp quốc; qua đó góp phần duy trì bản sắc văn hóa ASEAN, xây dựng cộng đồng ASEAN phồn vinh, thịnh vượng và phát triển bền vững.

Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh, thế giới đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nghiêm trọng và cấp bách như ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên, hệ lụy của quá trình phát triển, đô thị hóa, đặc biệt đại dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống xã hội, là trở ngại lớn trong quá trình thực hiện chương trình nghị sự 2030, bao gồm 17 mục tiêu để chấm dứt đói nghèo, bảo vệ hành tinh và đảm bảo sự thịnh vượng cho tất cả mọi người.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng khẳng định, trong những năm qua, hợp tác giáo dục và văn hóa giữa các nước ASEAN ngày càng được tăng cường và thúc đẩy, đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

Tuy nhiên, vấn đề giáo dục trong khối ASEAN hiện vẫn gặp một số trở ngại, đó là khoảng cách về giáo dục giữa các nước thành viên vẫn còn khá lớn về chất lượng, trình độ quản lý, ngân sách dành cho giáo dục, thiếu tính kết nối giữa các hệ thống đào tạo khác nhau, việc công nhận bằng cấp của nhau và quốc tế hóa bằng cấp trong khu vực… Bên cạnh đó, việc bảo tồn các di sản văn hóa trong ASEAN cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do biến đổi khí hậu, thiên tai, ô nhiễm và hệ quả của việc khai thác du lịch quá mức.

Để nâng cao và phát huy tốt hơn quan hệ đối tác nghị viện về hợp tác giáo dục, văn hóa vì sự phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị làm rõ vai trò của Nghị viện trong xây dựng cơ chế pháp lý chung cho việc công nhận chất lượng giáo dục và liên thông trình độ giữa các quốc gia trong khu vực; cơ chế phát triển giáo dục từ xa, giáo dục trực tuyến trong bối cảnh ứng phó với đại dịch COVID-19; thảo luận về việc xây dựng hành lang pháp lý, bảo tồn và kết nối di sản văn hóa trong khu vực ASEAN để phát triển du lịch bền vững…

COVID -19 tạo khoảng cách rõ rệt trong đào tạo trực tuyến

Tổng Thư ký liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), ông Martin Chugon đánh giá cao vai trò và sự lãnh đạo của Việt Nam khi sau IPU 132, Quốc hội Việt Nam là quốc hội đầu tiên tại khu vực châu Á Thái Bình Dương tổ chức một hội nghị riêng về vai trò của Quốc hội trong việc hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững.

Tổng Thư ký IPU cũng nhấn mạnh, đại dịch COVID-19 đã đe dọa, thậm chí đẩy lùi những kết quả mà cộng đồng đạt được trong suốt thời gian qua. Do vậy hành động của nghị viện các nước trong thời điểm này đóng vai trò vô cùng quan trọng để tiếp tục thúc đẩy các mục tiêu, chương trình vì sự phát triển bền vững trong giai đoạn tới.

Ông Martin Chugon kêu gọi các nghị viện cần cố gắng hơn nữa, vì COVID-19 đang đe dọa các thành tựu mà chúng ta đã đạt được trong các mục tiêu phát triển bền vững. Vai trò của các nghị viện ngày càng trở nên quan trọng, đóng vai trò năng động hơn, nhất là khi đại dịch lại càng đào sâu thêm khoảng cách về thu nhập, khả năng tiếp cận dịch vụ công. Vì thách thức ở quy mô toàn cầu, nên chỉ có thể được giải quyết ở quy mô toàn cầu.

Ông Kidong Park, Quyền Điều phối viên thường trú Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng lưu ý, mặc dù có những tiến bộ trong lĩnh vực giáo dục và giảm nghèo nhưng khu vực ASEAN vẫn ở vị trí thấp trong nhiều lĩnh vực khác, thậm chí thụt lùi ở mục tiêu phát triển bền vững trong lĩnh vực việc làm và tăng trưởng kinh tế (SDG8), hay ở SDG 3 về hành động khí hậu.

Ông Kidong Park cho rằng, mặc dù ASEAN là khu vực có tốc độ phủ internet tăng nhanh nhất thế giới nhưng đại dịch COVID -19 và những tác động của việc chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến đã bộc lộ khoảng cách rõ rệt trong ASEAN. ASEAN cần tăng cường năng lực cho hệ thống giáo dục trong việc đào tạo khả năng hiểu biết về thế giới số và các kỹ năng mềm cho trẻ em, người trẻ.