Đại biểu Quốc hội nói gì về vấn đề tuyển chọn phi công?

TPO - Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh chất vấn của ông về chất lượng đầu vào của phi công mà Bộ GTVT đã yêu cầu Cục Hàng không Việt Nam và Vietnam Airlines làm rõ.  
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương

PV: Được biết, Bộ GTVT vừa có văn bản yêu cầu Vietnam Airlines (VNA) báo cáo giải trình những vấn đề mà ông đã nêu chất vấn Bộ trưởng về chất lượng đầu vào phi công của hãng hàng không quốc gia này. Cá nhân ông mong đợi gì về báo cáo giải trình của Vietnam Airlines?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Vì chưa thu thập được chứng cứ một cách đầy đủ nên tôi đã không thực hiện quyền chất vấn mà chỉ gửi thư phản ảnh đến Bộ trưởng Bộ GTVT để làm rõ những dấu hiệu tiêu cực trong VNA, đặc biệt là trong việc tuyển dụng, chuyển hạng và nâng hạng phi công trong thời gian vừa qua.

Tôi gửi thư cho Bộ trưởng trong Kỳ họp Quốc hội thứ 5, nhưng từ đó đến nay, Bộ đã làm gì, tôi không biết nhưng cá nhân tôi chưa nhận được văn bản trả lời. Qua mạng xã hội, tôi được biết ngày 25/7/2018, Bộ mới có văn bản yêu cầu VNA giải trình.

Với những thông tin mà tôi đã nêu trong thư gửi Bộ trưởng, tôi mong vấn đề tiêu cực trong việc tuyển chọn, chuyển hạng, nâng hạng…phi công sẽ được làm rõ và xử lý triệt để. Các cá nhân có liên quan phải được làm rõ trách nhiệm và bị xử lý, kể cả xử lý hình sự nếu có để bảo vệ một thương hiệu quốc gia.

Tôi mong VNA nhận nhận thấy sự nghiêm trọng của vấn đề (mà lâu nay Đoàn bay 919 được giao thực hiện) để có biện pháp cụ thể mà không đơn giản chỉ là chất lượng phi công mà còn cả việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với đội ngũ phi công, để họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ của mình vì một mục tiêu cao nhất là an toàn bay.

Tôi cứ nghĩ, nếu chất lượng phi công kém rồi một ngày nào đó một tai nạn thảm khốc xảy ra thì thiệt hại không kể siết như một số Hãng hàng không trên thế giới đã gặp phải.

PV: Theo ông, từ khi VNA thực hiện chính sách xã hội hóa đào tạo phi công, thì chất lượng đào tạo đội ngũ phi công có thực sự đảm bảo?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Theo tôi được biết thì trước kia việc tuyển chọn ứng viên phi công do VNA tuyển chọn rồi cử đi học bằng ngân sách. Việc đào tạo thường ở các nước tiên tiến và các trường có danh tiếng trên thế giới. Sau này thực hiện chủ trương xã hội hóa, việc đào tạo phi công do cá nhân tự lo, tự bỏ tiền ra học.

Để tiết kiệm kinh phí, không ít trường hợp theo học tại các trường có chất lượng thấp và kết quả là chất lượng phi công không đảm bảo là đương nhiên. Với chất lượng phi công đa dạng như vậy thì việc tuyển dụng phải rất khắt khe, chặt chẽ để có được đội ngũ phi công có chất lượng tốt, đằng này khâu tuyển dụng nếu lại tiêu cực hối lộ thì thật không còn gì để nói nữa.

PV: Việc đào tạo đội ngũ phi công trường hợp không đạt chuẩn có thể gây ra những hệ quả gì, thưa ông?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương:  Chất lượng phi công là yếu tố quan trọng nhất của một hãng hàng không mà bất cứ  một Hãng hàng không nào trên thế giới cũng phải quan tâm. Nó liên quan đến an ninh, an toàn và tính mạng con người cũng như tài sản quốc gia. Không ít Hãng hàng không đổ vỡ do phi công gây ra. Tôi cho rằng đây là điều rất đáng báo động cho VNA.

PV: Cá nhân ông mong muốn và đề nghị gì đối với Bộ GTVT cũng như Vietnam Airlines trong việc đào tạo chất lượng đầu vào phi công trong thời gian tới?

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương: Tôi mong Bộ GTVT hết sức quan tâm đến vấn đề tiêu cực trong việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ phi công, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước để chấn chỉnh vấn đề này. Trên cơ sở đó làm trong sạch đội ngũ cán bộ để giúp một Hãng hàng không quốc gia phát triển.

PV: Xin cảm ơn ông.

Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT) vừa gửi Bộ GTVT báo cáo liên quan tới các chất vấn của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương về chất lượng đào tạo phi công và các vấn đề khác. Trong đó, khẳng định chất lượng đào tạo phi công được kiểm soát nghiêm ngặt, theo đúng các quy chuẩn quốc tế.

Phúc đáp về chất lượng đầu vào của ứng viên học phi công, Cục Hàng không cho rằng: Cơ quan này xem xét đầu ra của các ứng viên dựa trên hồ sơ bằng cấp, huấn luyện trong quá trình học ở nước ngoài; và các bằng cấp, chứng chỉ được nhà chức trách nơi các học viên làm cơ sở để công nhận bằng lái tàu bay.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng các trường học phi công đa số là các trường nhỏ lẻ, chất lượng đào tạo thấp. Tuy nhiên, Cục Hàng không lại cho rằng, cơ quan này tổ chức đánh giá, công nhận các trường đào tạo người lái tàu bay đã được Cục Hàng không của các quốc gia phê chuẩn (chủ yếu các trường tại Hoa Kỳ, châu Âu, Úc, Newzealand). 

Cục Hàng không tập trung vào phê chuẩn chất lượng đào tạo của phi công trên cơ sở phê chuẩn đầu ra của nhà chức trách các quốc gia trên công nhận bằng chứng chỉ đào tạo.

“Bất kể đầu vào huấn luyện như thế nào, nhưng đầu ra dựa trên 2 điều kiện chính: Tổ chức huấn luyện được phê chuẩn bởi quốc gia thành viên ICAO và được Cục Hàng không đánh giá tuân thủ các quy định của Việt Nam; cá nhân người lái tàu bay phải được Cục Hàng không của quốc gia tổ chức huấn luyện tổ chức kiểm tra, đánh giá để cấp Bằng người lái tàu bay (PPL, CPL/IR)”, Cục Hàng không khẳng định.

Do việc hoàn thành các nội dung huấn luyện là bắt buộc và nên tùy vào nỗ lực của các học viên có thể có thời gian huấn luyện khác nhau. 

Đại biểu Cương cho rằng, có hiện tượng ra giá từ 20.000 – 25.000 USD cho 1 lần phỏng vấn phi công chuyển loại tàu bay... Cục Hàng không cho rằng, cần có thời gian để xác minh, đánh giá do đây là hoạt động của các hãng hàng không. 

Tuy nhiên, Cục Hàng không khẳng định, cơ quan này hoàn toàn độc lập với hoạt động của các hãng hàng không khi tuyển chọn, lựa chọn và huấn luyện người lái tàu bay.