Huyền Như thoát tội tham ô?
Mở đầu phần tranh tụng, luật sư Nguyễn Văn Trung đưa ra nhiều luận cứ cho rằng vị đại diện VKS, người giữ quyền công tố tại phiên tòa phúc thẩm đã “việt vị” đối với bản luận tội và đề nghị hủy một phần bản án, điều tra lại theo hướng Huyền Như thêm tội tham ô tài sản.
Luật sư Trung đã viện dẫn các quy định tố tụng, trong đó, ông nhắc đến cáo trạng vụ án Huyền Như và đồng phạm được ký thừa ủy quyền Viện trưởng VKSND Tối cao. Tại phiên tòa sơ thẩm, Kiểm sát viên thừa ủy quyền của Viện trưởng VKSND Tối cao đã giữ nguyên nội dung cáo trạng.
Thế mà tại phiên tòa phúc thẩm này, vị Kiểm sát viên đại diện VKSND Tối cao lại kết luận và đề nghị HĐXX hủy một phần bản án sơ thẩm để điều tra lại về tội danh tham ô đối với Huyền Như và buộc Vietinbank phải chịu trách nhiệm bồi thường là trái với cáo trạng, không đúng quy định pháp luật. “Kết luận và đề nghị tréo ngoe này làm sao chúng tôi có thể không ngạc nhiên và lo lắng” –luật sư Trung nói.
Từ việc viện dẫn các quy định tố tụng, luật sư Trung khẳng định: “Quan điểm luận tội của đại diện VKS về việc hủy một phần bản án sơ thẩm, điều tra lại theo hướng Huyền Như thêm tội tham ô và buộc Vietinbank phải bồi thường là không có cơ sở. Do đó, HĐXX không có quyền xem xét tội danh tham ô tài sản đối với bị cáo Huyền Như tại phiên tòa phúc thẩm”.
Ngoài ra, luật sư Trương Xuân Tám cũng chứng minh các cơ sở pháp lý để thấy rằng bị cáo Huyền Như không phạm tội tham ô tài sản như VKS luận tội. Luật sư Tám cho rằng với chức danh Trưởng phòng giao dịch không phải là người quản lý của Vietinbank và không được giao nhiệm vụ quản lý tài sản.
Vietinbank phản bác kháng cáo
Luật sư phía Vietinbank khẳng định, Huyền Như đã có mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngay từ đầu, Huyền Như sử dụng nhiều thủ đoạn gian dối để lừa đảo các tổ chức, cá nhân mở tài khoản và chuyển tiền vào tài khoản tại Vietinbank.
Các giao dịch này của Huyền Như với các tổ chức, cá nhân trước khi chuyển tiền vào Vietinbank là giao dịch bất hợp pháp, thậm chí là tội phạm đã bị xử lý hình sự bằng một bản án khác đã có hiệu lực pháp luật (vụ án “bầu” Kiên - PV).
Luật sư Nguyễn Văn Trung nói: “Không thể cắt khúc vụ án ra, chỉ xem xét hành vi của cá nhân Huyền Như sau khi tiền của các tổ chức, cá nhân đã được chuyển vào tài khoản của họ tại Vietinbank, cố tình loại bỏ nguyên nhân, động cơ, mục đích và các hành vi vi phạm pháp luật mà họ đã thực hiện theo thỏa thuận, thậm chí móc ngoặc với Huyền Như trước khi mở tài khoản và chuyển tiền”.
Đi vào cụ thể từng công ty, ngân hàng có yêu cầu đòi Vietinbank bồi thường, các luật sư của Vietinbank lần lượt trình bày luận cứ bác các kháng cáo này.
Đối với kháng cáo của Ngân hàng Navibank, luật sư Nguyễn Văn Trung phân tích hình thức giao dịch dân sự và bản chất hình sự của vụ án, để cho rằng: “Navibank không có giao dịch gì với Vietinbank thì căn cứ vào đâu để yêu cầu bồi thường? Hơn nữa, nếu chỉ xét về mặt hình thức giao dịch và cắt khúc từ giai đoạn mở tài khoản và chuyển tiền vào Vietinbank trở về sau, thì tiền của 4 nhân viên Navibank gửi tại Vietinbank đâu còn thuộc quyền sở hữu của Navibank mà đòi?”.
“Rõ ràng nếu chỉ căn cứ hình thức giao dịch bằng giấy tờ và cắt khúc từ lúc mở tài khoản và gửi tiền vào Vietinbank thì 4 nhân viên Navibank cũng không có quyền gì đòi Vietinbank vì đã chuyển nhượng cho Cty Bắc Hà”, luật sư Trung nói tiếp.
Còn đối với nhóm 5 công ty, luật sư Trương Thị Hòa, luật sư Lê Hồng Nguyên và luật sư Nguyễn Văn Trung lần lượt trình bày các luận điểm bác yêu cầu của những công ty này.
Luật sư Hoài đã chỉ ra những sai phạm của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu trong việc lãnh đạo công ty đã không thực hiện đúng pháp luật và điều lệ công ty khi sử dụng số tiền 125 tỷ đồng để ủy thác đầu tư mà không có quyết định đầu tư của Đại hội cổ đông, không có phương án đầu tư.
Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng: “Ngoài hành vi lừa đảo chiếm đoạt tiền của Huyền Như, chúng ta cũng cần đặt ra nhiều câu hỏi tại sao trong hàng ngàn hồ sơ của khách hàng tại Vietinbank, bị cáo Huyền Như không chọn những khách hàng khác để lừa đảo mà chỉ chọn lừa đảo 9 đơn vị công ty, ngân hàng này? Phải chăng có sự câu kết, tiếp tay để thông đồng trục lợi hoặc hành vi cố ý làm trái pháp luật của những người có trách nhiệm của 9 đơn vị công ty này?”.
Các luật sư của Vietinbank cho rằng bản án sơ thẩm buộc Huyền Như bồi thường cho các đơn vị công ty, ngân hàng là đúng pháp luật, phù hợp tình tiết khách quan vụ án.
Hôm qua, luật sư bảo vệ cho các bị cáo khác cũng đã tranh tụng để bào chữa cho họ. Luật sư Trần Minh Hải bào chữa cho bị cáo Huỳnh Hữu Danh (án sơ thẩm tuyên 17 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay...) cho rằng bị cáo Danh chỉ là nạn nhân của Huyền Như, đề nghị Tòa giảm nhẹ hình phạt. Luật sư Trương Trọng Nghĩa, bào chữa cho bị cáo Tống Nguyên Dũng (15 năm tù về cùng tội danh) kiến nghị Tòa phán quyết công bằng, thỏa đáng cho các bị cáo thuộc nhóm tội vi phạm quy định về cho vay...