'Đá vừa lát đã vỡ là rất phản cảm'

TP - Ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị, HĐND thành phố Hà Nội, có cuộc trao đổi với PV Tiền Phong về nhiều điểm nóng trong quản lý đô thị, nhất là sau khi dư luận bất bình về phong trào lát đá vỉa hè, tái chiếm lòng đường vỉa hè...

Hạn chế việc bảo kê vỉa hè

Thưa ông, Hà Nội vừa rầm rộ triển khai chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, đến nay, tình trạng lấn chiếm lại tái diễn?

Thực hiện chủ trương lập lại trật tự vỉa hè, vừa qua thành phố, quận, huyện vào cuộc một cách khá tích cực, trật tự vỉa hè, lòng đường trên địa bàn thành phố có những chuyển biến. Tuy nhiên, thời gian gần đây, một điều dễ nhận thấy là sau đợt ra quân của thành phố, lại xuất hiện tình trạng tái lấn chiếm lòng đường, vỉa hè sử dụng cho dịch vụ kinh doanh, sản xuất, đặc biệt ở các phố ngang, phố nhỏ, ở cổng bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại, các quán karaoke, kinh doanh ăn uống lớn, trụ sở ngân hàng... Đây cũng là nội dung đại biểu HĐND thành phố rất quan tâm trong kỳ họp HĐND TP lần thứ 5 lần này. Tôi cho rằng, tình trạng tái lấn chiếm này, ngoài ý thức của một bộ phận nhân dân chấp hành chưa tốt thì rõ ràng có biểu hiện chùng xuống của cơ quan chức năng, đặc biệt là cảnh sát, dân phòng, lực lượng của các quận huyện được giao nhiệm vụ xử lý không cương quyết. Điều đó gây ra tình trạng nhờn luật. Ngoài ra, chỉ tính đến biện pháp hành chính mà không tính tới biện pháp vận động sự đồng thuận của nhân dân, bố trí sắp xếp kinh doanh hợp lý cho các hộ kinh doanh cá thể hàng rong thì cũng rất khó.

Thưa ông, cách đây chưa lâu, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nói có hiện tượng “bảo kê” cho lấn chiếm vỉa hè...Trong quá trình giám sát, Ban Đô thị HĐND có phát hiện ra tình trạng này?

Tình trạng bảo kê vỉa hè mà Chủ tịch UBND thành phố nói cũng khá lâu rồi, từ khi thành phố bắt đầu làm. Phải nói là khi ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè đã tạo ra những chuyển biến tích cực. Nếu như làm quyết liệt thì bảo kê vỉa hè sẽ không còn nữa. Trường hợp nếu không làm, hoặc chùng xuống thì nó lại xuất hiện trở lại. Thường thì các cửa hàng kinh doanh lại gắn với cán bộ phụ trách địa bàn. Còn cụ thể trường hợp nào thì trách nhiệm của công an, các lực lượng được giao nhiệm vụ phải phát hiện, xử lý kịp thời. Cần phải xây dựng cơ chế nếu xuất hiện tình trạng đó thì nhân dân thông báo với chính quyền để xử lý.

Không dùng ngân sách sửa vỉa hè

Thưa ông, hiện nhiều quận huyện đang đồng loạt lát đá vỉa hè nhiều tuyến phố, nhưng vừa đưa vào sử dụng đã bị vỡ, nát. Ông suy nghĩ gì về vấn đề này?

Việc lát đá vỉa hè là một chủ trương đúng của thành phố, và một số quận huyện đang triển khai lát đá vỉa hè thay thế cho gạch cũ ở các vỉa hè đã xuống cấp. Việc lát đá vỉa hè nếu thực hiện tốt sẽ tạo ra hạ tầng kỹ thuật, bộ mặt đô thị đồng bộ, thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, một số tuyến vừa mới bàn giao đưa vào sử dụng đã có hiện tượng xô lệch, lún, vỡ nát trên từng đoạn. Điều này rất phản cảm và thậm chí gây lãng phí.

Nguyên nhân chủ yếu là do công tác thi công. Việc tuân thủ yêu cầu thiết kế thi công của các chủ đầu tư chưa tốt, không đúng thiết kế được phê duyệt. Hơn nữa, vỉa hè ở nước ta mục đích sử dụng hỗn hợp, không chỉ người đi bộ mà thậm chí cả xe ô tô, xe đạp, xe máy vẫn đi lên thì nếu làm không đảm bảo sẽ bị vỡ. Thành phố phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thậm chí xử lý trách nhiệm các chủ đầu tư, đơn vị thi công để xảy ra sai phạm. Đối với các đoạn vỡ nát thuộc trách nhiệm các chủ đầu tư thì phải chịu trách nhiệm bồi hoàn, không có chuyện ngân sách phải bỏ tiền ra.

Cũng có ý kiến cho rằng, việc lựa chọn đá để lát vỉa hè với kích cỡ như hiện tại chưa đảm bảo. Thành phố có thể nên nghiên cứu, tính toán sử dụng đá tốt hơn, tiết diện nhỏ hơn, dày hơn để tái sử dụng. Như các nước khi sử dụng đá lát vỉa hè thường dùng đá hình trụ, có thể tái sử dụng. Bản thân đá hình trụ có độ dày, chịu được lực rất lớn. Chúng ta đang sử dụng lát đá chiều rộng 30 chiều dày 3 - 5 phân và lát một lần, không tái sử dụng. Trên thực tế thiết kế như vậy cũng chưa đảm bảo.

Tại nhiều tuyến phố cứ khoảng vài năm vỉa hè lại phải lật lên để lát lại do xuống cấp rất nhanh. Đây có phải “tư duy nhiệm kỳ” trong đầu tư công, thưa ông?

Lát vỉa hè trước đây dùng gạch theo kiểu tự chèn. Để tăng hệ số thoát nước, phía dưới không lót bê tông. Các vỉa hè lát gạch sau một thời gian sử dụng bị sụt lún, lồi lõm. Trên thực tế, thành phố đã nghiên cứu việc lát đá. Quả thực đá có độ bền hơn, nếu lát vỉa hè thì thành phố cũng sạch đẹp hơn, nhưng với điều kiện việc thi công phải đảm bảo thực hiện đúng đầy đủ các yếu tố về kỹ thuật được phê duyệt.Trong hoạt động năm 2018, Ban Đô thị HĐND rất quan tâm đến vấn đề này. Sẽ có giám sát, khảo sát để đánh giá kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, trên cơ sở đó có kiến nghị, đề xuất với thành phố trong thực hiện chủ trương này, đảm bảo thực hiện tốt và hiệu quả.

Cảm ơn ông.